“TESOL Master - Chuyện ngành, chuyện nghề”
Đó là chủ đề của buổi tọa đàm trực tuyến vừa được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Việt Nam Bách Nghệ Thực Hành (Viện VIPA), Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng TESOL Master phối hợp cùng Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Học viện Hàng không Việt Nam tổ chức.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo khoa, các giảng viên uy tín trong lĩnh vực giảng dạy, đào tạo nguồn lực giáo viên tiếng Anh chất lượng cao, bao gồm: TS. Trần Thế Phi - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sài Gòn; TS. Nguyễn Thị Như Điệp - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện Hàng không Việt Nam và ThS. Calum Leatham - giảng viên Khoa tiếng Anh, Học viện Ngoại giao.
Mặc dù diễn ra theo hình thức trực tuyến nhưng buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm và tham dự của gần 400 sinh viên và các thầy, cô hiện đang là những giáo viên, giảng viên trẻ mong muốn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc giảng dạy.
Trước câu hỏi về những thách thức lớn nhất trong quá trình giảng dạy khối ngành Ngoại ngữ, từ những kinh nghiệm sâu sắc trong thực tiễn đào tạo, giảng dạy trong nhiều năm, TS. Trần Thế Phi - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sài Gòn cho rằng: Việc truyền lửa, tạo động lực học tập cho sinh viên khối ngành Ngoại ngữ có thể coi là thách thức và khó khăn lớn nhất. Do đó, để tạo cảm hứng cho người học, đòi hỏi mỗi giáo viên, giảng viên cần phải không ngừng nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp học tập mới, sáng tạo, kích thích sự hứng thú của người học.
Chia sẻ với các bạn sinh viên tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Như Điệp - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện Hàng không Việt Nam đã đưa ra những góc nhìn thực tế, sâu sắc về tầm quan trọng của các kỹ năng mềm, như: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý dự án, kỹ năng ghi nhớ (taking note)... đối với một giáo viên TESOL.
TS. Nguyễn Thị Như Điệp cũng chia sẻ về các nhóm kỹ năng thiết yếu mà sinh viên nên rèn luyện để thích nghi, làm việc và phát triển trong môi trường quốc tế, như: Kỹ năng hiểu biết đa dạng nền văn hoá, kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng ứng phó với sự thay đổi, quản lý căng thẳng,...
"Bên cạnh việc sở hữu chứng chỉ TESOL, những kỹ năng mềm quan trọng này nếu được rèn luyện, phát triển sẽ trở thành lợi thế cạnh lớn cho các bạn sinh viên sau khi ra trường và bước chân vào các môi trường làm việc khác nhau", TS. Nguyễn Thị Như Điệp cho hay.
Là giảng viên tại Học viện Ngoại giao, ThS. Calum Leatham đã mang đến buổi toạ đàm những chia sẻ gần gũi về những khó khăn đã gặp phải trong thời gian đầu giảng dạy cho sinh viên Việt Nam.
Theo ThS. Calum Leatham, dạy học là một công việc thách thức. "Khi mới chuyển đến Việt Nam, tôi đã mất một thời gian để có thể hiểu được tâm lý và nhu cầu của sinh viên Việt Nam, đây là tiền đề quan trọng giúp tôi tạo ra những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả". Cuối buổi tọa đàm, ThS. Calum Leatham cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của chứng TESOL đối với việc giảng dạy tiếng Anh hiện nay.
Một điểm chung mà 03 vị diễn giả đều nhấn mạnh trong buổi tọa đàm, đó là việc sinh viên nên tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ vào quá trình học tập, nghiên cứu, đồng thời chủ động trong việc tự học và tích cực tham gia các diễn đàn, hội thảo, câu lạc bộ chuyên môn, tham gia những khóa đào tạo chứng chỉ TESOL, để mở rộng kiến thức, kỹ năng giảng dạy và gia tăng cơ hội sự nghiệp tương lai.
Buổi tọa đàm "TESOL Master - Chuyện ngành, Chuyện nghề" đã mang đến cho các sinh viên một cái nhìn toàn diện về lĩnh vực giảng dạy TESOL cũng như vai trò quan trọng của chứng chỉ TESOL trong việc trở thành một giáo viên chuyên nghiệp. Những chia sẻ của các chuyên gia không chỉ cung cấp những kiến thức chuyên môn mà còn truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ tự tin hơn trên con đường phát triển sự nghiệp của mình.
Nguyễn HạnhTrước biến động của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp dự báo giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng từ 250-300 đồng/lít; còn giá dầu tăng mạnh hơn.