Tết của cán bộ ngành Điện những tháng năm thời chiến

Doanh nghiệp - Doanh nhân
08:00 AM 13/02/2021

35 năm gắn bó với ngành Điện, cho đến nay dù đã 89 tuổi nhưng tinh thần của ông Lê Nhân Vĩnh - nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Bắc) vẫn còn rất minh mẫn. Nhân dịp Tết đến xuân về, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Tiếp thị có dịp được gặp mặt, trò chuyện cùng ông về những kỷ niệm về một thời chiến đấu và sản xuất oanh liệt để bảo vệ dòng điện sáng mãi, câu chuyện về những cái Tết khó khăn nhưng đầy yêu thương, ấm áp, xin được gửi tới bạn đọc!

Những cái Tết trong thời chiến

Tôi được gặp ông Lê Nhân Vĩnh vào dịp giáp Tết Canh Tý 2020, trong khi mọi người đang hối hả, tấp nập chuẩn bị những chậu đào, chậu quất, chậu mai cho năm mới thì trong căn nhà nhỏ của ông trên phố Định Công vẫn rất giản dị, yên bình. Đón tiếp tôi bằng nụ cười gần gũi, dáng đi nhanh nhẹn, gặp ông lần đầu cho tôi có cảm giác của một con người quyết đoán dám nghĩ, dám làm nhưng cũng đầy sự quan tâm, yêu thương đối với những người cán bộ, đồng nghiệp của mình. Thưởng thức chén trà ấm cùng ông, tôi được nghe những câu chuyện của ôngvề quãng thời gian tu nghiệp ở nước ngoài sau đó trở về nước v nhận công tác ở Nhà máy điện Việt Trì rồi Nhà máy điện Yên Phụ. Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong hồi ức của ông Lê Nhân Vĩnh vẫn vẹn nguyên những năm tháng đau thương nhưng hào hùng, những giây phút chứng kiến đồng chí, đồng nghiệp của mình hy sinh dưới bom đạn của giặc Mỹ để giữ cho dòng điện sáng mãi như ý chí, như lòng yêu nước của con người Việt Nam.

photo-1611803609931

Ông Lê Nhân Vĩnh- Giám đốc Công ty Điện lực 1 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Ảnh: Trương Hưng

Ông Vĩnh vẫn nhớ như in thời điểm cuối năm 1972, cũng là cái Tết đau thương với ông và những người đồng đội, đồng nghiệp tại Nhà máy điện Yên Phụ khi lúc đó không lực Mỹ tổng tiến công với ý đồ hủy diệt nhà máy.

"Từ tờ mờ sáng còi báo động đã vang lên liên tục. Mỗi lần báo động, anh em công nhân lại vất vả để điều chỉnh lò hơi. Dù đã là thời điểm cuối năm nhưng tất cả CBCNV ở các phân xưởng lò, phân xưởng điện, phân xưởng máy đều căng mình trực chiến", ông Vĩnh kể.

Lúc đó, ông Lê Nhân Vĩnh là Phó giám đốc Nhà máy đi kiểm tra sản xuất và đang trao đổi công việc với ông Đặng Đức Thọ- Tổ trưởng phân xưởng lò thì bỗng một tiếng nổ vang trời kèm theo một loạt tiếng nổ khác inh tai nhức óc. Những chùm bom lazer của Mỹ đã phóng xuống Nhà máy làm sập toàn bộ gian lò, hàng trăm tấn xi măng cốt thép và than từ nóc lò đổ sập xuống.

"Anh Thọ bị vùi sâu trong đống than khổng lồ, đồng chí Vũ Xuân Hòa- công nhân Nhà máy có mặt khi ấy bị mảng bê tông lớn đè lên người. Tất cả họ đều đã hy sinh, còn tôi bị sức ép của bom hất văng ra xa", ông Vĩnh đau xót nhớ lại.

Theo ông Lê Nhân Vĩnh, đối với CBCNV lúc đó luôn trong tinh thần xác định không có Tết, thời điểm cuối năm càng bận rộn gấp bội lần, ai cũng căng mình, dồn sức để đảm bảo điện phục vụ cho chiến đấu và sản xuất của nhân dân, không ai có suy nghĩ về cá nhân, tất cả vì chiến thắng kẻ thù, sẵn sàng chấp nhận hy sinh mọi lúc, mọi nơi khi Tổ quốc cần.

Ông Vĩnh nhớ nhất kỷ niệm thời điểm cận Tết năm 1973, Bộ trưởng Bộ Điện và Than bấy giờ là ông Nguyễn Chấn xuống thăm Nhà máy điện Uông Bí nhưng không có phiếu gạo 220gram nộp cho nhà bếp để ăn cơm, ông Lê Nhân Vĩnh đề nghị đưa phiếu gạo cho Bộ trưởng Nguyễn Chấn nhưng vẫn phải thông qua Đảng ủy mới được chuyển phiếu gạo.

Mọi thứ lúc đó đều thiếu thốn, không đủ cho nhu cầu của mỗi người. Sổ gạo bấy giờ là thứ quan trọng nhất trong mỗi gia đình và lương thực, thực phẩm do Nhà nước quản lý và phân phối rất chặt chẽ.

"Thời ấy không có sự phân biệt giữa Giám đốc và công nhân, chế độ suất ăn như nhau", ông Vĩnh chia sẻ.

Còn mãi tình đồng chí, đồng nghiệp

Đối với ông Vĩnh, những năm tháng cùng sản xuất và chiến đấu dưới bom đạn của kẻ thù không chỉ cho thấy sự khan hiếm về vật chất mà còn thấy đượcsự ấm áp, tình thương, tình nghĩa đồng chí, đồng đội và đồng nghiệp luôn đoàn kết cùng nhau vượt qua gian khó chung của đất nước, của mỗi người.

Nhớ có lần, bác Đỗ Mười (lúc đó là Phó Thủ tướng Chính Phủ) thăm Nhà máy điện Ninh Bình vào cận Tết năm 1976, khi ấy ông Lê Nhân Vĩnh làm Giám đốc Nhà máy.

"Khi thấy CBCNV Nhà máy làm việc rất kham khổ, gầy gò, ốm yếu, bác Đỗ Mười hỏi tôi có đề nghị gì không? Tôi nói với bác xin cho anh em có điều kiện được ăn tết vui hơn. Vậy là bác quyết định cấp cho CBCNV mỗi người 1 lạng thịt và 2 lạng gạo ăn Tết", ông Vĩnh kể lại.

Còn câu chuyện về Bộ trưởng Bộ Điện và Than Phạm Khai khi đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ sau trận càn quét của máy bay địch vào Nhà máy năm 1973 đã ôm chầm lấy ông và khóc luôn đọng mãi trong ký ức của ông Lê Nhân Vĩnh. Ông luôn coi đó là tấm gương, là bài học quý giá về sự quan tâm, gần gủi với đồng chí, đồng nghiệp của người lãnh đạo mà ông vận dụng trong suốt quá trình công tác và gắn bó với ngành Điện của mình.

photo-1611803612388

Ông Lê Nhân Vĩnh chụp cùng gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Giờ đây khi đã nghỉ hưu, thay cho những chuyến công tác dài ngày, phải xa gia đình, vợ con khi còn làm việc ông Lê Nhân Vĩnh đã có nhiều thời gian hơn dành cho tổ ấm của mình. Ông thường dậy sớm để tập thể dục cùng vợ, chăm sóc cây cối, đọc sách và theo dõi vô tuyến nắm bắt tình hình phát triển của ngành Điện.

Phần lớn thời gian khác trong ngày ông thường đọc sách trong góc thư phòng của mình- nơi chứa đầy những kỷ vật, những cuốn sách mà ông luôn trân quý. Chia tay ông sau cuộc trò chuyện dù ngắn ngủi nhưng tôi cảm nhận được ở người cán bộ đáng kính ấy sự ấm áp, gần gũi, cảm nhận được tình yêu của ông với ngành Điện, với đồng chí, đồng nghiệp của mình, Qua đó, cũng là bài học cho thế hệ trẻ chúng tôi tiếp tục vun đắp tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương đưa ngành Điện ngày càng phát triển vượt bậc, xứng đáng với những thành quả của bậc cha anh đi trước đã dựng xây.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.