Tết đến lại lo tiền giả, làm sao để phân biệt tiền thật và tiền giả?
Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn nhận diện tiền thật và tiền giả như thế nào..
Theo hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, có 5 cách để nhận biết tiền thật và tiền giả. Các cách đều xoay quanh nhận diện trên đặc điểm bảo an của đồng tiền. 5 cách đó sẽ bao gồm:
Cách 1: Soi tờ bạc trước nguồn sáng
Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng, đối với tiền thật sẽ phát hiện ra 3 đặc điểm đó là bóng chìm, dây bảo hiểm và hình định vị.
Hình bóng chìm khi soi dưới đèn có thể nhìn thấy rõ từ hai mặt, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo, sáng trắng.
Đối với dây bảo hiểm khi soi dưới đèn, có thể nhìn thấy rõ từ hai mặt, chạy dọc tờ bạc, có cụm số mệnh giá và chữ "NHNNVN" (hoặc "VND" – mệnh giá 10.000đ) tinh xảo, sáng trắng. Ở mệnh giá 50.000đ, dây bảo hiểm có ngắt quãng, có cụm số "50.000"
Khi soi tờ bạc dưới đèn, sẽ nhận thấy thêm 1 chi tiết đó là hình định vị. Với hình định vị, hình ảnh trên hai mặt phải khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau (nhìn thấy từ hai mặt).
(Các đặc điểm nhận diện của tiền thật khi soi dưới đèn, nguồn: NHNN)
Ở tiền giả, hình bóng chìm không tinh xảo. Các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét; một số trường hợp không có yếu tố này. Hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
Cách 2: Vuốt nhẹ tờ bạc (Kiểm tra các yếu tố in lõm)
Đối với tiền thật, khi vuốt nhẹ ở chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quốc huy; Mệnh giá bằng số và bằng chữ; Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM" (ở mặt trước tất cả các mệnh giá) sẽ thấy có độ nổi, nhám ráp của nét in.
Trên các tờ bạc mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ còn được tăng cường bảo đảm với yếu tố in lõm ở dòng chữ " NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM" và phong cảnh trên tờ tiền.
(Các đặc điểm in lõm có trên tiền thật, nguồn: NHNN)
Ở tiền giả, vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in.
Cách 3: Chao nghiêng tờ bạc (Kiểm tra mực đổi màu, IRIONDIN, Hình ẩn nổi)
Ở tiền thật, khi chao nghiêng tờ bạc, bạn sẽ thấy mực đổi màu (OVI) chuyển từ vàng sang xanh lá cây, dải IRIODIN lấp lánh ánh kim.
Khi đặt ngang tầm mắt, sẽ thấy rõ chữ "VN" ở mệnh giá 200.000đ, 10.000đ. Đối với các tờ bạc mệnh giá 50.000đ, 20.000đ sẽ thấy chữ "NH".
(Các đặc điểm sẽ phát hiện trên tiền thật khi chao nghiêng tờ bạc, nguồn: NHNN)
Ở tiền giả, có làm giả yếu tố OVI nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có yếu tố IRIODIN hoặc có in giả dải màu vàng nhưng không lấp lánh như ở tiền thật
Cách 4: Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn)
Đối với tiền thật, bạn có thể kiểm tra các ô cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi (chi tiết nền nhựa trong suốt ở phía bên phải mặt trước tờ bạc), bạn sẽ thấy có số mệnh giá dập nổi tinh xảo.
Cạnh đó, khi đưa mắt nhìn xuyên qua ô cửa sổ nhỏ có yêu tố hình ẩn (DOE) (Chi tiết nền nhựa trong suốt, ở phía trên bên trái mặt trước tờ bạc) dưới nguồn sáng đỏ như bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa,... bạn sẽ có thể nhận thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng.
(Các yếu tố cửa sổ của tiền thật khi được đặt trước nguồn sáng đỏ, nguồn: NHNN)
Ở tiền giả, cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh xảo như tiền thật, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hỉnh ẩn.
Cách 5. Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang)
Khi dùng kính lúp soi, đối với tiền thật, có thể tìm thấy mảng chữ in siêu nhỏ được tạo bởi các dòng chữ "NHNNVN" hoặc "VN" hoặc số có mệnh giá lặp đi lặp lại, nhìn thấy rõ dưới kính lúp.
Khi dùng đèn cực tím, sẽ nhận thấy cụm số thể hiện mệnh giá in bằng mực không màu, chỉ nhận thấy được được khi soi dưới đèn cực tím. Ngoài ra, còn có số seri dọc màu đỏ phát quang màu vàng cam và seri ngang phát quang màu xanh lơ khi soi dưới đèn cực tím.
Ở tiền giả, không có mảng chữ siêu nhỏ hoặc các dòng chữ, số không sắc nét, rất khó đọc. Không có mực không màu phát quang hoặc có làm giả nhưng phát quang yếu. Số sêri không phát quang hoặc phát quang không giống như ở tiền thật.
(Các ký hiệu in siêu nhỏ và các ký hiệu phát quang dưới đèn cực tím có trên tiền, nguồn: NHNN)
Cạnh đó bạn có thể chú ý thêm seri tiền để phân biệt tiền thật và tiền giả.
Theo Quyết định 28/2007/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về Quy chế Quản lý seri tiền mới in, đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi.
Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền đó, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi
Trong đó, vần seri được ghép bởi 2 trong số 26 chữ (gồm: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z). Vần phụ, sẽ được sử dụng để in trên các tờ tiền thay thế những tờ tiền in hỏng.
Do đó nếu phát hiện các trường hợp seri có số ký tự không phù hợp, hay các đặc điểm nhận dạng tiền thật không khớp với các đặc điểm do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn nói trên, bạn có thể từ chối tiêu thụ và báo cơ quan chức năng để xử lý.
Trần SâmKim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore trong tháng 11/2024 tiếp tục mạch tăng trưởng tích cực (tăng 31,32%), qua đó giữ vững tốc độ tăng trưởng 11 tháng của năm 2024 ở mức 32,11% so với cùng kỳ năm 2023.