Tết Độc lập nhớ về An toàn khu Định Hóa
Ngay sau khi chính quyền non trẻ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Thực dân Pháp đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để quay lại cướp nước ta một lần nữa. Chúng đã ngang nhiên bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt – Pháp ngày 14/9/1946 ngay khi chưa ráo mực. Trước nguy cơ cuộc chiến tranh vệ quốc đã cận kề, ngày 19/12/1946, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chọn Chiến khu Việt Bắc – An toàn khu (ATK) làm căn cứ địa và hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Trước đó, để xây dựng căn cứ địa cách mạng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, tháng 11/1946, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do Đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách có nhiệm vụ khảo sát, xây dựng căn cứ địa Việt Bắc.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội công tác đặc biệt đã quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ và Phú Lương (Thái Nguyên), Sơn Dương và Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Chợ Đồn và Chợ Mới (Bắc Kạn) để xây dựng thành căn cứ địa làm hậu phương cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Các địa điểm này hội tụ "thiên thời, địa lợi" hoàn toàn phù hợp cho một cuộc chiến tranh du kích và trường kỳ. Trong đó huyện Định Hóa của tỉnh Thái Nguyên được Bác Hồ chọn làm nơi đặt Đại bản doanh chỉ huy cuộc kháng chiến.
Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên. Nhờ có địa thế núi non hiểm trở, địa bàn huyện Định Hóa được che chở bằng những cánh rừng đại ngàn, tạo thành bức màn che phủ, đảm bảo bí mật cho các hoạt động của Trung ương Đảng và Bác Hồ.
Với hệ thống đường mòn thuận lợi từ Chiến khu ATK Định Hóa vừa có thể ngược lên Tây Bắc, vừa xuôi về đồng bằng Sông Hồng dễ dàng, hoặc có thể lên biên giới Việt - Trung. Đó là điều kiện lý tưởng để tiến hành các cuộc chiến tranh du kích, cũng như xây dựng hậu phương chi viện cho các mặt trận chiến trường.
Theo các chuyên gia quân sự, Định Hóa là vùng đất chiến lược, địa bàn lý tưởng cho những cuộc chiến đấu ngăn chặn sự tiến công của địch. Hơn thế từ đây có thể tiến công địch ở những nơi khác, khi thắng thì dễ dàng tiến về đồng bằng châu thổ Sông Hồng, khi lui có thể dựa vào rừng đại ngàn Định Hóa đứng chân an toàn.
Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 chiến sỹ bảo vệ, giúp việc đến đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc, Định Hóa) đặt "Phủ Chủ Tịch" đầu tiên giữa núi rừng Việt Bắc, khởi đầu cho một chặng đường trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Như vậy từ mùa xuân năm 1947, huyện Định Hóa đã trở thành An toàn khu tuyệt mật của Trung ương Đảng.
Từ ATK Định Hóa, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước và dân tộc, như quyết định giải phóng biên giới 1950, chiến dịch Hòa Bình - Sầm Nưa, chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954.
Đặc biệt ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo (xã Phú Đình, Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khép lại 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. "Chín năm làm một Điện Biên, Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng". Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được thế giới biết đến như một bậc thầy về chiến tranh du kích.
Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng ban Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, cho biết: "Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị lịch sử của An toàn khu Định Hóa, trong những năm qua, chúng tôi đã sưu tầm, trưng bày nhiều hiện vật từ năm 1947-1954, khi Bác Hồ Hồ và Trung ương Đảng làm việc tại ATK Định Hóa, để nhân dân trong và ngoài nước biết đến một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam."
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Định Hóa có 182 di tích lịch sử kháng chiến, trong đó có 30 di tích được xếp hạng quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh. Năm 2012, An toàn khu Định Hóa cùng với 13 di tích trong cả nước được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Quang HưngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.