TH true MILK tiên phong sản xuất phôi trong ống nghiệm cho bò sữa tại Việt Nam
“Xét về triển khai trong thực tiễn hoạt động thụ tinh ống nghiệm cho bò sữa thì Tập đoàn TH chính là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam. Đây là đơn vị hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi như: có cụm trang trại hiện đại, có đàn bò sữa lớn, tiệm cận 70.000 con với những con bò có tiềm năng di truyền tốt, trang thiết bị công nghệ cao đồng bộ,…” - PGS.TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam nhận định.
Công nghệ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) trong lĩnh vực nhân giống đàn bò sữa tại Việt Nam trước đây mới chỉ manh nha ở các phòng thí nghiệm. Nhận thấy ý nghĩa đặc biệt của công nghệ này đối với việc nhân giống đàn bò sữa trong nước, Tập đoàn TH đã vào cuộc và trang trại bò sữa TH tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang từng bước làm chủ công nghệ này.
Tập đoàn TH từng thực hiện 24 đợt nhập khẩu bò sữa giống cao sản HF từ New Zealand và Mỹ về Việt Nam. Dự án IVF thành công, TH sẽ làm chủ công nghệ cho ra đời bò sữa HF thuần chủng có chất lượng, sản lượng sữa tốt như những con giống hàng đầu ở Mỹ ngay tại Việt Nam, cung cấp cho các trang trại bò sữa TH và các trang trại chăn nuôi bò sữa khác trong cả nước.
TH true MILK đi đầu về ứng dụng công nghệ phôi
PGS.TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết, vấn đề giống bò sữa từng là trở ngại đối với ngành chăn nuôi bò sữa. Trước khi Tập đoàn TH bước chân vào đầu tư chăn nuôi bò sữa, Việt Nam nhập bò sữa chủ yếu từ Cu Ba, New Zealand, Australia - nhiều bò sữa lai F1, F2 không thuần chủng nên chất lượng và sản lượng sữa thấp, người chăn nuôi thua lỗ…
Năm 2009, khi hoàn thành việc xây dựng trang trại đầu tiên, TH đã đi đầu nhập bò sữa giống cao sản thuần chủng HF từ New Zealand và sau này là từ Mỹ - các quốc gia có nền chăn nuôi bò sữa phát triển. Bằng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò sữa và quy trình chăn nuôi, quản lý đàn tiêu chuẩn quốc tế, đàn bò HF thuần chủng của TH thời đó đã đạt năng suất sữa tới 9.000 lít/con/chu kỳ và năng suất này tiếp tục được cải tiến, nâng cao thông qua việc nâng cao chất lượng bò giống. Đến thời điểm hiện tại, năng suất bò sữa của TH bình quân có thể đạt tới gần 11.000 lít/con/chu kỳ.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Tập đoàn TH cho biết từ cuối năm 2015, đầu 2016, Tập đoàn đã ký hợp đồng với công ty Sexing Technologies của Mỹ để nhập phôi đông lạnh và chuyển giao công nghệ sản xuất phôi invivo. Nhờ việc hợp tác này, nhiều thế hệ bò sữa đã ra đời tại trang trại, cho năng suất sữa vượt trội. Từ những thành công bước đầu, để tăng nhanh hơn hiệu suất của đàn bò mà vẫn duy trì được nguồn gen quý, đem đến dòng sữa tươi sạch tuyệt hảo, TH quyết định lựa chọn ABS – một công ty hàng đầu thế giới về giống và di truyền bò sữa - là đơn vị triển khai, chuyển giao công nghệ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) cho trang trại bò sữa từ năm 2019.
Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 bùng phát trong 2 năm liên tiếp, quá trình chuyển giao công nghệ IVF đã gặp không ít khó khăn: Các lớp đào tạo phải thực hiện online; việc xây dựng cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, trang thiết bị,…) phục vụ dự án IVF phải thực hiện thông qua tư vấn từ xa của các chuyên gia; phát sinh nhiều thời gian và công sức cho quá trình chọn lọc, vận chuyển bò sữa về địa điểm làm phôi. Trở ngại nhất phải kể đến là việc đưa đoàn chuyên gia sang Việt Nam do các chuyến bay phải tạm hoãn.
Bằng mọi nỗ lực, đến tháng 3/2022, Tập đoàn TH đã đón được các chuyên gia của ABS sang Việt Nam để triển khai chuyển giao công nghệ đặc biệt này.
"Tạo đà" cho ngành chăn nuôi bò sữa
TS Hoàng Kim Giao nhận định, công nghệ phôi IVF - được xem là "trí tuệ của thế giới" trong lĩnh vực này, ứng dụng tại các quốc gia phát triển từ nhiều năm trước - sẽ giúp TH và ngành chăn nuôi bò sữa trong nước hiện thực hóa giấc mơ tự chủ hoàn toàn về giống bò.
Tại Việt Nam, việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho gia súc cũng đã được một số đơn vị như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp hay trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Thế nhưng, tất cả những cơ sở này mới chỉ làm mang tính chất nghiên cứu với nhiều loại gia súc khác nhau. Còn làm riêng ở bò sữa và áp dụng vào thực tiễn thì cho đến nay mới chỉ có Tập đoàn TH - doanh nghiệp hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi như: Có cụm trang trại chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao; có đàn bò sữa tiệm cận 70.000 con, trong đó có những bò với tiềm năng di truyền tốt; trang thiết bị công nghệ cao đồng bộ, hiện đai; những cánh đồng nguyên liệu rộng lớn,…
Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà sáng lập Tập đoàn là người luôn chủ trương áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong tất cả các khâu của chuỗi sản xuất sữa với quyết tâm xây "đường băng" cho dòng sữa Việt "cất cánh".
"Cũng bởi thế, ngay khi nghe tôi chia sẻ làm phôi ống nghiệm ở bò sữa, chị Thái Hương đã rất hào hứng và khẳng định TH sẽ quyết tâm làm. Và, tôi tin rằng TH sẽ thành công" – ông Hoàng Kim Giao kể.
"Tập đoàn TH có những con bò sữa có tiềm năng di truyền cao. Đặc biệt, TH có rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, rất thuận lợi cho việc thực hiện các kỹ thuật công nghệ IVF như phòng thí nghiệm hiện đại mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có. Hiện mọi tiến trình công việc đang rất thuận lợi" - Ông Rodrigo Mendes Untura, trưởng nhóm chuyên gia IVF của Công ty ABS (đối tác của TH).
Theo ông Giao, công nghệ IVF sẽ thúc đẩy nhanh tiến bộ di truyền, cho ra thế hệ bò sữa có năng suất, chất lượng sữa tươi vượt trội. Những con bò cho phôi được chọn lọc một cách tỉ mỉ nhờ sự hỗ trợ của phần mềm do công ty ABS cung cấp cũng đảm bảo mang các đặc tính tốt nhất, nổi trội về sản lượng và chất lượng sữa với hàm lượng protein cao.
"Việc áp dụng công nghệ IVF không chỉ có ý nghĩa lớn đối với Tập đoàn TH, mà còn đối với ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam. Lý do là công nghệ này sẽ giúp nhân giống nhanh, chủ động được việc sản xuất bò sữa giống với giá thành chỉ bằng 1/2 - 2/3 bò sữa nhập khẩu; giảm chi phí nhập khẩu; giảm bệnh tật ở bò từ nước ngoài du nhập vào; biết rõ chất lượng bò sữa giống", ông Giao nhấn mạnh.
Ngoài năng suất, bò sữa ra đời từ phôi thụ tinh ống nghiệm còn có khả năng thích ứng tốt với điều kiện môi trường sống nóng ẩm ở Việt Nam. Đàn bò sữa chất lượng của TH cũng góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa nói chung của Việt Nam tốt hơn nhờ năng suất sữa cao hơn, chất lượng sữa tốt hơn, cung cấp giống bò sữa tốt cho người chăn nuôi bò sữa toàn quốc…
"Trên cơ sở đàn bò sữa hiện có của mình, TH chỉ chọn 3,5-10% trong tổng đàn với những con bò sữa tốt nhất để thực hiện IVF. Theo từng năm, năng suất và chất lượng giống sẽ được nâng lên cao. Từ đó, TH không chỉ cung cấp phôi đông lạnh và con giống cho các trang trại của mình mà còn cung cấp cho các trang trại bò sữa, thậm chí xuất khẩu đi các nước", ông Giao nhận định.
Làm chủ công nghệ
Nói về dự án IVF, ông Vijay Kumar Pandey - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH (THMF) cho biết mục đích của dự án là mang công nghệ IVF về Việt Nam, chuyển giao và đào tạo đầy đủ kỹ năng cho các chuyên gia, kỹ thuật viên của TH.
Chủ tịch Hội đồng quản trị THMF khẳng định với tiến độ triển khai hiện nay, Tập đoàn TH dự kiến sản xuất 5.000 - 6.000 phôi mỗi năm trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn sau, khi TH làm chủ công nghệ, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực, doanh nghiệp này sẽ sản xuất phôi cho các dự án bò sữa khác.
Dẫn chúng tôi đi xem khu kỹ thuật tại trang trại số 1 và 2 tại Nghệ An với đầy đủ các thiết bị, máy móc, phòng soi hiện đại, ông Gilad Efrat, Giám đốc kỹ thuật THMF cho biết, công nghệ IVF đòi hỏi sự tỷ mỉ rất cao và nếu kỹ thuật viên không có chuyên môn, không có kỹ năng sẽ không bao giờ thành công được.
"Do vậy, chúng tôi đã tuyển chọn những nhân viên tốt nhất. Qua các buổi đào tạo, hướng dẫn từ các chuyên gia IVF của công ty ABS, chúng tôi xác định được cần chú trọng vào những vấn đề gì để đạt được thành công. Ở TH, mọi thứ cần phải thật hoàn hảo, xuất sắc. Lâu nay, chúng tôi vẫn có sẵn đội ngũ kỹ thuật viên có kinh nghiệm cấy truyền phôi và bây giờ nhận chuyển giao công nghệ mới IVF này, tôi tin tưởng đội ngũ của chúng tôi sẽ thực hiện tốt và làm chủ được công nghệ này", ông Gilad Efrat chia sẻ.
Giám đốc kỹ thuật THMF nhấn mạnh, với dự án IVF, Tập đoàn TH kỳ vọng chất lượng đàn bò sữa sẽ được nâng cao nhờ lựa chọn trứng từ những con bò cái tốt nhất trong đàn. Về mặt di truyền, đó là một bước tiến rất lớn đi đến thành công. "Đối với ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, thành công của dự án sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Cải thiện được vấn đề di truyền giống nhờ dự án IVF tại TH cũng đồng nghĩa sẽ cải thiện đàn bò ở Việt Nam nói chung".
Hải AnhTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.