Thạch Thành - Thanh Hóa: Động lực mạnh mẽ đã được khơi dậy

Xã hội
11:00 AM 01/07/2020

Nhìn lại năm bản lề 2019, bức tranh kinh tế của huyện có nhiều gam màu tươi sáng. Trong 33 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, nổi bật là tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 10.653 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 19,5% so với năm 2918, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.415 tỷ đồng, tăng 8%, so với năm 2018.

    Thác Mây - Thác Chín bậc tình yêu Thạch Thành.

    Thạch Thành là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa. Huyện có 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Kim Tân và Vân Du. Dân số trên 144 nghìn người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 45,8%, dân tộc Mường chiếm 53,6% và dân tộc khác 0,6%. Với địa hình đa dạng, được hình thành bởi các lòng máng lớn kề nhau xuôi theo hướng Bắc - Tây Bắc và thấp dần về phía Nam, từ núi cao qua miền trung du kéo dài xuống đồng bằng. Chính đặc điểm địa hình này đã ban tặng cho Thạch Thành những thác nước dài, nhiều tầng lớp kỳ vĩ, như Thác Mây, Thác Voi…

    Ngoài ra ở những vùng núi đá vôi còn có nhiều hang động khá kỳ thú gắn với Di tích lịch sử Văn hóa, di tích khảo cổ, như Hang Con Moong, Hang Treo, Chiến khu Ngọc Trạo v.v… Thạch Thành còn có cả vùng đồi đất của miền trung du và đồng bằng, giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp và du lịch. Là địa bàn giao lưu kinh tế - văn hóa với các vùng trong tỉnh và các tỉnh liền kề. Những yếu tố về địa lý, tự nhiên đã đem đến cho vùng đất này sự giao lưu, tiếp nhận và có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. 

    Nhìn lại năm bản lề 2019, bức tranh kinh tế của huyện có nhiều gam màu tươi sáng. Trong 33 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, nổi bật là tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 10.653 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 19,5% so với năm 2918, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.415 tỷ đồng, tăng 8%, so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (OG) vượt mục tiêu Nghị Quyết đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô, năng lực sản xuất của nền kinh tế tăng nhanh; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả.

    Có thể nói, trong nhiều Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp - nông dân và nông thôn thì chủ trương về xây dựng nông thôn mới (NTM) được người dân ủng hộ rất cao. Đây là sự nghiệp chấn hưng nông thôn lâu dài. Các số liệu báo cáo trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 -2020 công bố: Xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, trong giai đoạn 2016 - 2019 đã có 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã được công nhận đạt chuẩn toàn huyện là 10 xã, đạt 100% NQ, vượt chỉ tiêu tỉnh giao; số thôn được công nhận đạt chuẩn NTM là 113 thôn, đạt 75,3% NQ, trong đó có 03 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 43,2 triệu đồng, tăng 12,7 triệu đồng so với năm 2016, vượt 6,1% NQ. 

    Trong Báo cáo, các số liệu nhiều, tươi rói, thể hiện quyết tâm xẻ núi, đào sông, tận dụng thế mạnh về con người, đất đai, thổ nhưỡng để chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2020 dự kiến tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 17%. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khá, quy mô và năng lực sản xuất được nâng lên, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn huyện. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2016 -2020, ước đạt 23.271 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành công nghiệp - xây dựng bình quân hàng năm đạt 17%, vượt 0,8%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 372,3 triệu USD, vượt 148,3% NQ. Số cơ sở sản xuất và lực lượng lao động thu hút vào ngành công nghiệp tăng nhanh.

    Riêng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút 8.500 lao động, tạo ra nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH-HĐH, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới. 

    Chủ tịch huyện Thạch Thành Phạm Đình Minh nói rằng: “Các chỉ tiêu này là quyết tâm mà Đại hội Đảng bộ huyện đã bàn. Chúng tôi tôn vinh triệt để phương châm: “Dân biết, dân làm, dân hưởng thụ”, động lực mạnh mẽ đã được khơi dậy. Nhưng nó sẽ là những con số vô hồn nếu đội ngũ cán bộ đảng viên không xốc vác, người dân thiếu đồng tâm. Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong mà”, Chủ tịch huyện cười tươi khi đọc thơ của Bác Hồ.

    Khát vọng, rọi soi lịch sử, văn hóa, nhân sinh… Có gì đó hàm chứa và gợi mở trong kiên cường yên ả đất này? Tuy nhiên, tại Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, vẫn còn những số liệu, câu chữ chưa làm yên lòng những người có trách nhiệm. Chủ tịch huyện cho hay: Việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thạch Thành vẫn còn những hạn chế trên một số lĩnh vực, như: Tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm; một số sản phẩm công nghiệp sản lượng đạt thấp so với kế hoạch, chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp phụ trợ. Sản xuất nông nghiệp thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong nông nghiệp còn đạt thấp so với kế hoạch. Chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh trong phát triển dịch vụ, du lịch. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa có nơi chưa đi vào chiều sâu; chất lượng lao động qua đào tạo chưa cao, giảm nghèo chưa thật sự bền vững…

    Đua theo nhịp sống hiện đại, người dân tộc thiểu số trong một số thôn, bản bỏ dần truyền thống văn hóa độc đáo của cha ông họ nghìn đời. Đây là mối lo. Kinh tế thì có tiền là lo được nhưng giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của một dân tộc được tích lũy từ bao đời thì không tiền nào mua nổi. Nông thôn hiện đại đến mấy vẫn cần giữ được sự yên bình. Làng quê vẫn giữ được cái nếp tối lửa tắt đèn có nhau. Nghe anh tâm sự mà xúc động, biết ơn, ngưỡng mộ. Cũng là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tôi biết những con số này đâu còn là bát cơm, tấm áo như mong ước đỏ mắt của cả làng, cả xã, cả huyện thuở nào. Đây chính là tiềm tàng nội lực mà bung tỏa năng lượng, thứ ánh sáng khuất phục lòng người mà Đảng và nhân dân đã, đang mong đợi.

    Tôi muốn khép lại bài viết bằng niềm tin về sự đổi thay của vùng đất miền sơn cước này, vì họ đang có những con người đứng mũi chịu sào, hết lòng vì sự phát triển bền vững của huyện Thạch Thành. Cái mới vẫn là dòng chảy chính. Khát khao đổi mới ấp ủ trong tâm can lãnh đạo huyện và người dân đất này lâu rồi, giờ gặp luồng gió mới thổi thành một sức mạnh to lớn lan đến tận thửa ruộng vùng đồi, từng con đường làng ngõ xóm. Sự thay đổi này mới thật thiêng liêng! 

    Dĩ nhiên rồi. Đường lớn đã mở nhưng phải nỗ lực, cần có nhiều giải pháp đột phá hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa thì mới “đi tới tương lai”!
    “Phát huy những kết quả đã đạt được, để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng hiệu quả, bền vững. Thạch Thành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, gắn với quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng; phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cách mạng công nghiệp.

    Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Đồng thời, nâng cao chất lượng thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xứng đáng là điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa”, Chủ tịch Phạm Đình Minh bày tỏ quan điểm./.
     

    Triều Nguyệt 
    Ý kiến của bạn
    Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động thu hút hơn 11.000 người tham dự Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động thu hút hơn 11.000 người tham dự

    Sáng 12/5, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đông Anh (Hà Nội), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội và UBND huyện Đông Anh phối hợp tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024.