Thách thức cho mặt bằng bán lẻ

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:00 AM 21/07/2020

Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số bán lẻ tại Hà Nội vẫn duy trì mức tăng trưởng do nguồn cầu lớn với nhu yếu phẩm và doanh thu tích cực từ thương mại điện tử. Công suất thuê tại các trung tâm thương mại ở mức cao.

    Mặt bằng bán lẻ đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử.

    Thương mại điện tử chiếm ưu thế

    Tổng Giám đốc Fashion Style Lê Minh Ngân cho biết, ngay từ khi mới thành lập, đơn vị này đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử, thông qua website và app smartphone. Trong thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, kênh bán hàng này là chủ đạo để duy trì hoạt động, doanh số. “Đến nay, việc mua bán trực tiếp tại các cửa hàng đã trở lại bình thường nhưng chúng tôi vẫn đẩy mạnh hoạt động bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay doanh số bán hàng qua kênh này tăng gấp 6 lần so với trước. Qua đó cho thấy, người dân đã thay đổi cách thức mua hàng, thay vì phải mất thời gian đến tận cửa hàng chỉ việc ngồi nhà cũng có thể mua được sản phẩm mình thích” – bà Ngân cho hay.

    Theo số liệu khảo sát từ Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về thương mại điện tử. Trong đó, đến 61% người Việt cho rằng trang web là địa chỉ ưa thích nhất được vào sử dụng để đặt hàng, phần còn lại là mua hàng qua các app điện tử. Từ đầu năm 2020, với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh số bán hàng qua thương mại điện tử đã tăng bình quân khoảng 30% so với trước.

    Bán lẻ truyền thống gặp cạnh tranh

    Với số đông người tiêu dùng Việt Nam đi mua sắm tại các đại siêu thị thường xuyên, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích được phát triển như là một kênh mua sắm hữu hiệu. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Đoàn Văn Cương cho rằng, sự phát triển mạnh của thương mại điện tử trong thời gian gần đây đã mang đến thách thức không nhỏ đối với mặt bằng bán lẻ.

    Đặc biệt từ khi ban hành Quyết định 1563/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, đặt ra nhiều mục tiêu để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển. “Chắc chắn doanh số tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ bị giảm do sự cạnh tranh từ các DN thương mại điện tử. Nhưng theo tôi không vì thế mà các mặt bằng bán lẻ truyền thống mất đi sự hấp dẫn của nó. Bởi vẫn có rất nhiều người muốn được trực tiếp xem, cầm sản phẩm trước khi mua hơn là việc chỉ xem hình ảnh trên điện thoại” – ông Cương nhìn nhận.

    Theo đại diện Savills Việt Nam, hiện nay, các trung tâm thương mại hay chuỗi siêu thị bán lẻ vẫn có thể thành công tại thị trường Việt Nam nếu thực hiện một chiến lược phát triển đúng đắn. Nhiều thương hiệu lớn đã thay đổi mô hình nhằm đáp ứng với nhu cầu này để có nhiều sự tương tác hơn với khách hàng như việc thiết kế, trang trí đặc sắc tại cửa hàng, cung cấp trải nghiệm độc quyền cho khách hàng khi họ mua sắm tại cửa hàng…
     

    Mai Vân
    Ý kiến của bạn
    Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

    Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.