Thách thức, cơ hội cho nền kinh tế và các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2023 (Phần 1)

Tài chính - Đầu tư
09:30 AM 13/07/2023

Những xu hướng tích cực và thách thức to lớn của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023

Xu hướng tích cực nổi bật

Bức tranh tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ và các địa phương cho thấy: chuyển biến kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tốt dần lên, tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm, quý II nhìn chung tốt hơn quý I.

Kết quả nổi bật của 6 tháng đầu năm 2023 là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần trong khi lạm phát ở nhiều nước neo ở mức cao và kéo dài. Tăng trưởng phục hồi, GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn mức tăng của quý I (3,32%), tính chung 6 tháng tăng 3,72%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). Xuất nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại, tính chung 6 tháng xuất siêu 12,25 tỷ USD. Thu chi ngân sách nhà nước bảo đảm tiến độ, thu 6 tháng 876 nghìn tỷ đồng, đạt 54% dự toán năm (giảm 7,8% so với cùng kỳ); chi đạt 805 tỷ nghìn đồng, đạt 38,8% dự toán năm (tăng 12,9%, thể hiện vai trò thúc đẩy tăng trưởng). 

THÁCH THỨC, CƠ HỘI CHO NỀN KINH TẾ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM ( P1) - Ảnh 1.

Kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; lúa gạo được mùa, được giá; năng suất lúa Đông Xuân tăng 1,6 tạ/ha; sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 232 nghìn tấn; 6 tháng xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, giá trị 2,3 tỷ USD, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trở lại. Quý II tăng 1,56% (quý I giảm 0,75%); tính chung 6 tháng tăng 0,44% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 0,37%. Khu vực dịch vụ giữ mức tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 0,5% so với tháng 5; tính chung 6 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ. Thu hút khách quốc tế tháng 6 đạt 975 nghìn lượt, tăng 6,4% so với tháng 5 và gấp 4,1 lần cùng kỳ; tính chung 6 tháng đạt 5,6 triệu lượt, gấp 9,3 lần cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, quý II cao hơn quý I, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II tăng 5,5% (quý I tăng 3,7%); tính chung 6 tháng tăng 4,7%. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt 216 nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (27,75%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng (tổng số vốn đầu tư công năm 2023 là 817 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư trong nước là 784 nghìn tỷ đồng). Vốn FDI tiếp tục xu hướng tích cực, vốn FDI đăng ký mới đạt 6,49 tỷ USD, tăng 31,3%; vốn góp, mua cổ phần đạt 4,01 tỷ USD, tăng 76,8%. Vốn FDI thực hiện đạt 10,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực hơn. Trong tháng 6 có 13,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 14,9% so với tháng 5; tổng số vốn đăng ký tăng 33,7%; tổng số lao động đăng ký tăng 39,2%.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn (lạm phát toàn cầu còn ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm…), kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Ước tính 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của khu vực đạt 3,07%; đóng góp 9,28% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp – xây dựng gặp nhiều khó khăn với tốc độ tăng trưởng 1,13% trong 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp 11,87% vào tăng trưởng chung; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,37%. Mặc dù, tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tháng 6 tiếp tục có sự cải thiện với mức tăng 2% so với tháng trước và 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp

THÁCH THỨC, CƠ HỘI CHO NỀN KINH TẾ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM ( P1) - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng ổn định nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đạt mức tăng trưởng 6,33% trong 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung, 78,85%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tình hình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư hướng tới những thị trường lân cận nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng và chương trình thuế tối thiểu toàn cầu là những yếu tố ảnh hưởng tới việc thu hút vốn FDI trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá cao về tiềm năng thu hút FDI nhờ cải thiện chất lượng quản trị, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi thu hút dòng vốn FDI. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD chỉ bằng 97,7% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đang trong đà tăng so với tháng trước. Trong đó, vốn đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoài (tương ứng là 31,3% và 76,8%). Vốn thực hiện đã khởi sắc trở lại với mức 10,02 tỷ USD tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Những thách thức to lớn

Tăng trưởng kinh tế  hồi phục nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ và  mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023. Tăng trưởng kinh tế quý II/2023 ước tăng 4,14% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, thấp mức thứ 2 trong các năm giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng quý I và 6 tháng đầu của năm Covid 2020 [Năm 2020, tăng trưởng quý II đạt 0,34%, 6 tháng đạt 1,74%].  Với kết quả này, sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5% như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 01 [Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cả năm 2023, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm cần đạt mức trên 9%, đây là điều rất khó khi tốc độ tăng trưởng trung bình 6 tháng cuối năm giai đoạn 2017-2019, giai đoạn nền kinh tế phát triển ổn định, cũng chỉ đạt 7,5-8%].

Tăng trưởng kinh tế theo quý

THÁCH THỨC, CƠ HỘI CHO NỀN KINH TẾ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM ( P1) - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chỉ số PMI sản xuất  tiếp tục suy giảm lần thứ bảy trong tám tháng qua thể hiện tổng cầu nền kinh tế tiếp tục suy yếu

Chỉ số PMI  phản ánh "sức khỏe" của nền kinh tế. Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang có dấu hiệu thu hẹp lại, nhu cầu mua hàng của nền kinh tế đang bị thu hẹp, giá sản phẩm giảm và nhiều nhà đầu tư e ngại bỏ vốn mở rộng đầu tư .

Chỉ số PMI Sản xuất tháng 6 năm 2023 của Việt Nam tuy đã tăng lên 46,2  từ mức 45,3 của tháng 5/2023 (PMI tháng 5/2023 là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm 2021) nhưng vẫn còn ở mức thấp. Chỉ số PMI thấp trong 06 tháng đầu năm cho thấy điều kiện kinh doanh suy giảm do nhu cầu suy yếu. Sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm trở lại, phản ánh tình trạng mất điện do ảnh hưởng của đợt nắng nóng ảnh hưởng đến đất nước, với đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm. Do đó, các công ty cũng giảm việc làm và hoạt động mua hàng trong tháng thứ tư liên tiếp. 

Chỉ số PMI Sản xuất của Việt Nam

THÁCH THỨC, CƠ HỘI CHO NỀN KINH TẾ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM ( P1) - Ảnh 3.

Nguồn: Tradingeconomics

Tăng trưởng tín dụng toàn bộ nền kinh tế thấp hơn cùng kỳ năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đầu ra kém và lãi suất cao

Cuối tháng 6, dư nợ cho vay toàn hệ thống là 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4,7% so với cuối 2022 ( so với chỉ tiêu NHNN giao cho các TCTD đầu năm là 11% và so với định hướng chính sách tiền tệ của chính phủ là tăng trươngr tín dụng trong năm 2023 là 14-15%). Nguyên nhân chính không đến từ việc thiếu "room" mà do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đầu ra kém và lãi suất cao. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng đã tăng 8-9% so với đầu năm, nhiều ngân hàng chạm trần hạn mức tăng trưởng.

Động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư công còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tuy tăng hơn cùng kỳ nhưng mới đạt 33% chỉ tiêu cả năm 2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 232,225 nghìn tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng). Như vậy, còn một khối lượng vốn rất lớn trên kế hoạch cần thực hiện để đạt được mục tiêu giải ngân 95% - 100% kế hoạch năm 2023, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, tránh gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn.

Cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn rất yếu và Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,44%, tương đương cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tiêu dùng cuối cùng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy, cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu. Nguyên nhân là do những khó khăn trong doanh nghiệp những tháng đầu năm làm hạn chế đáng kể thu nhập của người lao động.

Trong tháng 6/2023 khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm, nhiều quốc gia thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ làm nhu cầu tiêu dùng giảm dẫn đến tình trạng thiếu đơn hàng tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu có vẻ đã qua giai đoạn chạm đáy nhưng mức hồi phục vẫn kém xa so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022

THÁCH THỨC, CƠ HỘI CHO NỀN KINH TẾ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM ( P1) - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 0,3% tháng trước và giảm 14,03% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và giảm 11,4% so với năm trước. Tính chung cho 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 26,71 tỷ USD trong tháng 6/2023, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cho 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu lớn trong 6 tháng đầu năm 2023, ước tính đạt 12,25 tỷ USD (so với mức 1,2 tỷ USD cùng kỳ năm trước).

Về xuất nhập khẩu dịch vụ, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cho 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,1 tỷ USD.

Nhìn chung, tình hình xuất nhập khẩu 06 tháng đầu năm 2023 cho thấy một bức tranh tương đối ảm đảm về xuất khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân là do cầu nhập khẩu thấp từ các đối tác và những rào cản trong hàng hóa xuất, nhập khẩu đã hạn chế lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng cao hơn so với mức tăng bình quân chung và rất cao so cùng kỳ năm 2022.

Biến động chỉ số CPI so với cùng kỳ và so với tháng trước

THÁCH THỨC, CƠ HỘI CHO NỀN KINH TẾ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM ( P1) - Ảnh 5.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022, vẫn là mức cao so với mức tăng 2,4% cùng kỳ năm 2022 nhưng theo xu hướng giảm xuống kể từ đầu năm tới nay. Áp lực lạm phát giảm nhẹ là do hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản sụt giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm.

Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 4,74%, so cùng kỳ năm 2022 cao hơn với mức tăng CPI  bình quân chung (3.29%) và rất cao so với mức 1,25% của cùng kỳ năm 2022, đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2015 trở lại đây. Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cơ bẩn vẫn ở mức cao là do sự gia tăng chỉ số giá vận tải, kho bãi. Bình quân 6 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, Chỉ số giá vận tải, kho bãi tăng 11,24%, trong đó, chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng 55,04%.


Vũ Thái Quảng và nhóm nghiên cứu
Ý kiến của bạn