Thách thức, cơ hội cho nền kinh tế và các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2023 (Phần 2)
Tình hình 6 tháng cuối năm 2023 theo nhận định chung của Chính phủ và các địa phương thì khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro cho nền kinh tế và sức ép cho công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô
Dự báo diễn biến kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 có khá nhiều gam màu khác nhau,nhưng nổi bật là phục hồi kinh tế thế giới còn rất khó khăn. Xung đột Nga-Ucraina kéo dài, lạm phát,lãi suất cao và xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu chưa chưa có dấu hiệu cải thiện lớn, biến đổi khí hậu phức tạp hơn… Nền kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ giảm phát, là dấu hiệu mới nhất về sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, dự báo Trung quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay là 5%. Xu hướng biến động kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2023 vẫn được cho là sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường.
Quá trình hồi phục tăng trưởng kinh tế thế giới về mức trước Đại dịch được đánh giá là khá khó khăn. Sự thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và lo ngại về an toàn hệ thống ngân hàng làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngân hàng trung ương các nước có thể buộc phải giảm hoặc đảo ngược việc tăng lãi suất mạnh để ngăn chặn bất ổn.
Tuy nhiên, những đánh giá gần đây của một số tổ chức cho thấy tình hình kinh tế thế giới những tháng cuối năm khả quan hơn. Ngân hàng Thế giới (WB – 6/6/2023) đã đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 ở mức 2,1% (tăng 0,4 điểm % so với mức dự báo vào tháng 01/2023), và hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 xuống còn 2,4% (tương ứng giảm 0,3 điểm % so với dự báo trước đó). Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 6/2023) dự báo tốc độ tăng GDP toàn cầu năm 2023 có thể đạt 2,7%, tăng 1 điểm % so với dự báo tại thời điểm tháng 3/2023, và giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 2,9% vào năm 2024. Liên hợp quốc (tháng 6/2023) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm từ 3,1% năm 2022 xuống 2,3% năm 2023 và tăng lên 2,5% vào năm 2024.
Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới giữa năm 2023 của Liên hợp quốc (UNDESA) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,3% năm 2023, tăng 0,4 điểm % so với dự báo trong tháng 01/2023. Fitch Ratings (FR) nhận định tăng trưởng toàn cầu đang cho thấy khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Theo đó, FR dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 2,4%, tăng 0,4 điểm % so với dự báo trong tháng 3/2023. Một số tình hình chuyển biến tích cực như Liên minh Châu Âu đã bước đầu bảo đảm được an ninh năng lượng; giá dầu mỏ và khí tự nhiên giảm đáng kể; tình trạng chuỗi cung ứng đã cải thiện nhanh chóng, chỉ số căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) đã giảm xuống mức kỷ lục, thậm chí thấp hơn mức trước đại dịch.
Kinh tế trong nước những tháng cuối năm khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi
Phát biểu kết luận ngày 4/7/2023, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh về bối cảnh tình hình thời gian tới, Chính phủ và các địa phương thống nhất nhận định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Những thuận lợi trong những tháng cuối năm được kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công, vẫn được coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế, mặc dù việc giải ngân đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Các nỗ lực chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều dấu hiệu tích cực trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như suy giảm tăng trưởng của các đối tác thương mại làm giảm cầu nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn cả ở đầu ra và đầu vào.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023
Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cuối năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các tỉnh thành và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, diễn ra ngày 4/7 để đạt được mức tăng trưởng 6-6,5% được coi là rất thách thức. Theo đó, kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, Bộ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng quý III phải đạt 6,8% và quý IV đạt 9%. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8%.Với kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5% thì mức tăng trưởng quý III phải đạt 7,4% và quý IV đạt 10,3%. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng phải đạt 8,9% thì mới hoàn thành kế hoạch đặt ra.
Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 với các trường hợp sau đây:
Do các chính sách, cơ chế và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thủ tục hành chính … có độ trễ nhất định khi đi vào thực tế cuộc sống nên chưa phát huy hết hiệu quả trong 6 tháng cuối năm. Nếu 6 tháng cuối năm không tạo ra được các chuyển biến đột phá thì nhiều khả năng tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ ở mức khoảng 5,0% (thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao 1.5 điểm %); CPI bình quân khoảng 3,5% đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay của Quốc hội.
Tuy nhiên, nếu 6 tháng cuối năm 2023 kinh tế thế giới hồi phục tốt, không phát sinh quá nhiều biến động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các chính sách tài khoá, tiền tệ, đầu tư… tháo gỡ được các khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phát huy được hiệu quả ngay thì tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam có thể đạt khoảng 5,5-6% (Dự báo tích cực, gần đạt mục tiêu của Quốc hội đặt ra cho năm 2023) và CPI khoảng 3.9 -4.3 % (vẫn đạt mục tiêu đề ra của Quốc hội đặt ra cho năm 2023)
Bảng : Dự báo tăng trưởng kinhh tế năm 2023
Chỉ tiêu | 2022 | 2023 (Dự báo) | |
Bình thường | Tích cực | ||
I. Tốc độ tăng trưởng GDP | 8,02 | 5,0 | 5,5-6 |
- Nông Lâm nghiệp Thủy sản | 3,36 | 3,30 | 34,-3,6 |
- Công nghiệp - xây dựng | 7,78 | 3,63 | 4,9-5,3 |
- Dịch vụ | 9,99 | 6,81 | 6,9-7,7 |
- Thuế trợ cấp trừ sản phẩm | 5,7 | 4,00 | 4,5-5 |
II. Vốn đầu tư toàn xã hội/GDP | 33,85 | 33 | 33,5-34 |
III. CPI bình quân so với cùng kỳ | 3,15 | 3,5 | 3,9-4,3 |
Nguồn: Nhóm nghiên cứu, tháng 7/2023
Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp những tháng cuối năm
Tình hình 6 tháng cuối năm 2023 theo nhận định chung của Chính phủ và các địa phương thì khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro cho nền kinh tế và sức ép cho công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Cần nhìn thẳng vào sự thật là để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản,thị trường trái phiếu, môi trường kinh doanh … không phải một sáng một chiều mà phải cần thời gian lộ trình trung dài hạn Khó khăn của kinh tế thế giới,đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, các nước khu vực Châu Âu và Trung Quốc làm suy giảm nhu cầu thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo kéo dài đến 2024 - đầu 2025 mới phục hồi. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tăng trưởng xuất khẩu và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam
Thị trường bất động sản trong nước gặp khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, vốn đầu tư trung dài hạn, ách tắc phát hành trái phiếu và chu kỳ suy giảm sẽ kéo dài,rất khó phục hồi trong năm 2023 và 2024. Một kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy rằng,ở Việt Nam khó khăn của ngành bất động sản sẽ ảnh hưởng đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng...
Theo kết quả báo cáo "Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp" tháng 5/2023 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp: Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực. Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.
Những cơ hội phục hồi phát triển cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nới lỏng, linh hoạt chính sách tiền tệ và mở rộng chính sách tài khoá hợp lý
Các chỉ số kinh tế vĩ mô đến cuối tháng 6 năm 2023 về lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát đã cho thấy dư địa chính sách còn khá lớn để Chính phủ tiếp tục tăng cường chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng phù hợp với thực tế thị trường và thực trạng nền kinh tế Việt Nam.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết và chỉ đạo về chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và phù hợp với thực tiễn. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng đã chỉ đạo:
Về chính sách tiền tệ: yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách. Đối với chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Về chính sách tài khoá: Thủ tướng yêu cầu rà soát các cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cầu và phía cung. Theo đó, tiếp tục rà soát, có các giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn để kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước (các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí, các hình thức hỗ trợ mua hàng, khuyến mãi, giảm giá, giảm các loại phí, lệ phí, …). Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, với tổng số vốn đầu tư công năm còn phải giải ngân 6 tháng cuối năm là 585 ngàn tỷ /817 nghìn tỷ đồng cả năm 2023 (67% kế hoạch cả năm).
Tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 10/7 đã giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại của năm nay cho các nhà băng lên 14%, so với chỉ tiêu đã giao từ tháng 2/2023 cho các TCTD là 11%, không chia thành nhiều đợt nới "room" tín dụng, rơi vào đầu, giữa và cuối năm như các năm trước. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm xuống, hạn mức tín dụng và khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp tăng lên,đây là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn mở rộng SXKD, thúc đẩy nền kinh tế có thể phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.
Hình : Dự báo tốc độ tăng GDP năm 2023
Xu hướng tỷ giá 6 tháng cuối năm được dự báo vẫn giữ được ổn định trong biên độ mục tiêu kiểm soát
Tình hình 6 tháng cuối năm do khả năng giải ngân từ nguồn vốn FDI tăng lên, xuất siêu do xuất khẩu được cải thiện do các doanh nghiệp mở rộng được thị trường thay thế,lãi suất VND có xu hướng tiếp tục giảm, áp lực lạm phát cao ở Hoa kỳ và Châu Âu đã đạt đỉnh, áp lực tăng lãi suất của FED và ECB đã hạ nhiệt nên khả năng Việt nam ổn định được tỷ giá trong biên độ ±3% cả năm dưới mức biên độ kiểm soát của NHNN ±5% là hiện thực. Sự điều hành cân bằng hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nhập khẩu ổn định giá cả nguyên,nhiên liệu và chi phí đầu vào của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển .
Khuyến nghị đối với doanh nghiệp
Ngày nay xu hướng phát triển kinh tế trên thế giới đã thay đổi rất nhanh chóng,cạnh tranh của các doanh nghiệp ngày càng gay gắt trong chuỗi giá trị toàn cầu chứ không phải trong nước. Vì vậy các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tự đổi mới để tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động và cạnh tranh khốc liệt hơn.
- Đổi mới chiến lược kinh doanh theo hướng phát triển bền vững,dựa vào đổi mới sáng tạo, phát minh, sáng chế, sản phẩm, dịch vụ phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cạnh tranh về năng suất cao, chất lượng tốt và chi phí thấp, gắn với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp với kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
- Chủ động xây dựng chiến lược phát triển trung dài hạn, xây dựng kế hoạch kinh doanh, các phương án xử lý rủi ro,khủng hoảng,thích ứng với sự thay đổi chính sách vĩ mô, biến động của thị trường và các thách thức trong nước và quốc tế.
- Đổi mới mô hình kinh doanh,phương thức kinh doanh và áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, phù hợp nhất để bảo đảm chi phí cạnh tranh nhất, hiệu quả cao.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao, có chất lượng tốt theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường.
- Chiến lược thị trường và khách hàng: Đa dạng hoá chiến lược thị trường và khách hàng, các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước đi đôi với nghiên cứu phát triển các thị trường quốc tế tiềm năng, đặc biệt là thị trường các nước khu vực Asean, Châu Á như Trung quốc, Ấn độ, Hàn Quốc, Nhật Bản …
Vũ Thái Quảng và nhóm nghiên cứuCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.