Thách thức của Chính phủ điện tử: Tăng 2 bậc so với thế giới nhưng vẫn 'đứng nguyên' tại Đông Nam Á
Tại phiên họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra chiều 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, đổi mới sáng tạo của các quốc gia trong khu vực tiếp tục tăng là thách thức lớn,
Theo đó, Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc nêu rõ, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018. Thủ tướng cho hay: "Qua đó cho thấy chúng ta có rất nhiều cố gắng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử".
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines là 5 quốc gia có vị trí cao hơn Việt Nam. Đáng chú ý, Thái Lan tăng hạng từ 73 lên 57, Indonesia từ 107 lên 88, Campuchia từ 145 lên 124, Myanmar từ 157 lên 146.
Như vậy, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của các quốc gia này tiếp tục tăng, là đối tượng cạnh tranh với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ. Thủ tướng khẳng định: "Đây là thách thức lớn đối với chúng ta, do vậy cần thấy rõ vấn đề để có phấn đấu cao hơn".
Tại đây, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ủy ban, các đại biểu phát biểu tập trung vào 3 nội dung. Đầu tiên, nhận diện tồn tại, hạn chế, vướng mắc làm cản trở việc xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam, từ đó tìm đúng nguyên nhân. Thứ 2, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới. Thứ 3, thảo luận về các giải pháp để tăng cường chuyển đổi số quốc gia, giao dịch điện tử, phát triển nhiều sản phẩm chuyển đổi số "Make in Việt Nam".
Báo cáo tại phiên họp chỉ rõ, nhiều văn bản quan trọng định hướng phát triển Chính phủ điện tử được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời. Bên cạnh đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Nhiều cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch.
Ngày 25/2/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được khai trương, đánh dấu mốc son đặt nền tảng hình thành công dân số, là cú hích giảm giấy tờ thủ tục hành chính đáng kể. Hơn 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số. Hiện nay, khoảng 40 nền tảng "Make in Việt Nam" được ra mắt. Song, việc phát triển Chính phủ điện tử vẫn còn tồn tại hạn chế, điển hình như: môi trường pháp lý chưa hoàn thiện; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp (ở mức 31%); hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.