Thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Rất nhiều cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi làn sóng đầu tư đang hướng vào Việt Nam. Nhiều DN băn khoăn “làm thế nào chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2024 ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Hiện Việt Nam đang đứng thứ 9 trên thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Trong khi đó, các nước đang có xu hướng tìm kiếm những địa điểm sản xuất mới về điện tử, thay thế cho thị trường truyền thống trước đây như Trung Quốc. Đây là cơ hội để doanh nghiệp điện tử trong nước có thể nắm bắt dòng sản xuất ở các thị trường khác có ý định sản xuất tại Việt Nam.
Như vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế, cho thấy kỳ vọng Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất lớn của khu vực.
Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nhận ra cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng thực tế nhiều rào cản, thách thức khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư cũng như không có khả năng đầu tư.
Hai nguyên nhân được DN chỉ ra là vốn và chính sách. Về vốn, sản phẩm vào chuỗi cung ứng phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chí “chất lượng và giá thành”. Điều này đòi hỏi DN phải đưa ra công nghệ tốt, tìm được phương thức sản xuất tốt để giảm chi phí.
Chia sẻ tại Hội nghị Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 diễn ra mới đây, ông Lưu Văn Đại – Giám đốc Công ty Cổ phần Metal Heat Việt Nam – một đơn vị chuyên xử lý nhiệt các sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy và chi tiết máy cho biết: "Tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới hay đi học công nghệ tiên tiến không phải chuyện khó với DN Việt Nam. Nhưng để đầu tư công nghệ mới cần rất nhiều vốn, một DN nhỏ rất khó đủ tiềm lực tài chính để đầu tư, những startup thì càng khó khăn hơn".
Vốn tự có của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thực sự rất khó đủ để đầu tư công nghệ mới. Vay vốn ngân hàng thì lại có rất nhiều rào cản bởi không chỉ phải chịu mức lãi suất cao, doanh nghiệp còn phải có tài sản thế chấp. Lãi suất vay ngân hàng cao thì giá bán của doanh nghiệp cũng phải cao, nên doanh nghiệp nội địa mất đi tính cạnh tranh so với doanh nghiệp ngoại khi tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Liên quan đến chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, muốn tham gia chuỗi thì kinh doanh phải có lãi, muốn vay ngân hàng hay tiếp cận vốn thì phải có hiệu quả kinh doanh tốt, mà lãi thì phải đóng thuế thu nhập.
Để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các doanh nghiệp cơ khí như: Miễn giảm thuế, miễn giảm lãi suất vay vốn và đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Có cơ chế, biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thường xuyên tổ chức các hội nghị nối doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, thông qua các sự kiện này có thể cung cấp những sản phẩm linh kiện tập đoàn nước ngoài đang có nhu cầu cũng như các sản phẩm doanh nghiệp phụ trợ sản xuất được để người mua và người bán có thể tìm thấy nhau và kết nối hợp tác.
An Mai (t/h)Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64- 65 tỷ USD.