Thách thức đối với doanh nghiệp Việt muốn lên 'sàn ngoại'

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:11 PM 19/04/2021

Nhiều doanh nghiệp Việt từng công bố ý định đưa cổ phiếu lên niêm yết tại các thị trường chứng khoán quốc tế nhưng để có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, những doanh nghiệp này sẽ phải đáp ứng rất nhiều điều kiện "ngặt nghèo".

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin VinFast có thể chuẩn bị IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) và niêm yết tại Mỹ trong năm nay. Thông tin trên xuất phát từ một hãng tin nước ngoài chứ không phải thông qua kênh chính thống cung cấp cho nhà đầu tư và cổ đông.

Thách thức đối với doanh nghiệp Việt muốn lên 'sàn ngoại' - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp Việt "nuôi" tham vọng lên sàn ngoại. Ảnh: Thanh Niên

Trước đó, một doanh nghiệp Việt Nam khác là Bamboo Airways cũng vừa tiết lộ kế hoạch IPO tại Mỹ để huy động 200 triệu USD trong năm nay.

Thực tế, ý tưởng niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế đã từng được một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam tuyên bố cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, có một doanh nghiệp duy nhất IPO thành công nhưng sau khi lên sàn một thời gian ngắn đã phải rời sàn do vi phạm những yêu cầu về công bố thông tin. 

Hiện tại các yếu tố cơ bản của Việt Nam khá tốt như kinh tế vĩ mô phát triển, tỷ giá và lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng khiến nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài yên tâm khi rót vốn đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN Việt. Nhưng vì sao đến hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam chưa niêm yết tại các thị trường chứng khoán quốc tế?

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), chia sẻ với Thanh Niên rằng, việc thực hiện IPO ra các sàn chứng khoán quốc tế, đặc biệt là Mỹ sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về việc phát hành cổ phiếu mới. Trong đó, quy định về tính minh bạch luôn ở mức cao nhất và đây cũng là điều kiện khó khăn nhất mà không phải công ty nào cũng đáp ứng được. 

Chia sẻ với Zing, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng có 3 lý do dẫn đến việc này.

Đầu tiên là vấn đề lợi ích niêm yết. Với những doanh nghiệp đủ điều kiện như Vinamilk, Hòa Phát, việc niêm yết ở nước ngoài trong giai đoạn trước không đem lại nhiều lợi ích hơn cho họ so với niêm yết trong nước nhưng lại làm chi phí và gánh nặng công bố thông tin, tuân thủ chuẩn mực nhiều hơn.

"Không phải lúc nào việc niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán quốc tế cũng có thể giúp doanh nghiệp huy động được số vốn lớn hơn so với trong nước. Ngay cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam khi niêm yết ở nước ngoài cũng không dễ để lọt vào nhóm chính. Khi đó, dòng tiền thu hút được ở thị trường ngoại chỉ ở mức thấp", ông Tuấn cho hay.

Thách thức đối với doanh nghiệp Việt muốn lên 'sàn ngoại' - Ảnh 2.

Sàn NASDAQ (Mỹ) có nhiều điều kiện khá "ngặt nghèo".

Tiếp theo là vấn đề chuẩn mực niêm yết. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ điều kiện để IPO ở nước ngoài. Đó là các yếu tố về yêu cầu lợi nhuận, doanh thu, dòng tiền, chất lượng tài sản. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán quốc tế còn yêu cầu về số lượng cổ phiếu lưu hành nhưng Việt Nam lại có nhiều công ty có cơ cấu cổ đông cô đặc.

Cuối cùng là vấn đề thị trường. Giai đoạn trước đây, dòng tiền chảy vào những kênh huy động vốn trên sàn quốc tế như SPAC hay các phương án niêm yết dễ hơn không mạnh. Do đó, doanh nghiệp niêm yết không "được giá".

Chuyên gia này cho biết sự bùng nổ của những kênh huy động vốn thông qua SPAC (Specified Purpose Acquisition Company, tạm dịch: Công ty được thành lập cho mục đích thâu tóm) từ năm 2020 đến nay một phần do nhu cầu tìm kiếm cơ hội của dòng tiền trong bối cảnh lãi suất thấp. Do đó, thị trường chứng khoán đang tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp có thể niêm yết và huy động được nhiều vốn hơn trước đây.

Tiến sĩ Tuấn cho rằng việc niêm yết của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường chứng khoán quốc tế sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường là chính. Lợi thế là nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam.

Nhung T. (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.