Thách thức lao động ngành dệt may trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đầu tư và Tiếp thị
12:23 PM 29/04/2021

Không thể phủ nhận rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang mở ra nhiều cơ hội cho nhiều ngành nghề khi mà máy móc, công nghệ mới đã thay thế những công việc của con người, năng suất và vô cùng hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng là thách thức lớn với người lao động khi không chủ động trau dồi, nâng cao kỹ năng để thích ứng, làm chủ công nghệ, đặc biệt là lao động ngành dệt may.

Nhiều lao động chưa qua đào tạo

Nhiều chuyên gia cho rẳng, hiện nay nguồn nhân lực ngành dệt may vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đây là thách thức rất lớn khi ngành dệt may Việt Nam đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, cũng như có thể đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.

photo-1619670328988

Nguồn nhân lực ngành dệt may vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Ảnh minh họa

Bà Phùng Thị Hạnh – Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Dệt may Hà Nội cho biết, tính đến cuối năm 2017, trên cả nước có khoảng 7.000 doanh nghiệp (DN) dệt may, với số lượng lao động xấp xỉ 2,5 triệu người, trong đó 80% là nữ.

Về chất lượng, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong các DN dệt may Việt Nam hiện mới chỉ khoảng 25%, còn lại khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo (chủ yếu mới chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông) hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng.

Theo dự báo đến năm 2025, ngành dệt may Việt Nam sẽ cần thêm 130.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Con số này sẽ tăng lên trên 210.000 vào năm 2030. Đặc biệt, nếu tính chất lượng nhân lực để có thể đáp ứng các vị trí, quy trình sản xuất ngành dệt may theo yêu cầu của CMCN 4.0 thì ngành dệt may đang thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn.

Theo bà Hạnh, những hạn chế cả về số lượng và chất lượng đang là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành dệt may và khó có thể đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng như hiện nay.

Bởi theo phân tích của bà Hạnh, dưới tác động của CMCN 4.0 rất nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may sẽ được sử dụng máy móc, rô bốt… thay cho sức lao động của con người. Đơn cử, ở khâu sản xuất sợi, cách đây 10 năm, DN sợi cần sử dụng 100 - 110 lao động cần thiết để vận hành một nhà máy có quy mô 1 vạn cọc sợi, nhưng khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, số lượng nhân lực giảm chỉ còn 25 - 35 lao động để vận hành nhà máy có quy mô tương tự.

Chủ động nâng cao kỹ năng

TS. Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, đối với ngành dệt may, một ngành có tính thời trang cao, có nhiều công đoạn sản xuất, công nghiệp 4.0 khó có thể đồng loạt thay thế lao động tay chân của con người trong thời gian ngắn, nhất là công đoạn may.

Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc, song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất dệt may cũng khác nhau.

"Trong một thập niên tới có thể dự báo sản xuất xơ, sợi hóa học có khả năng thay thế cao. Còn các công đoạn sản xuất tơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, đặc biệt vải không dệt và khâu nhuộm có thể hoàn tất khả năng thay thế lao động con người bằng máy móc. Riêng công đoạn may, nhìn chung khả năng thay thế ở mức độ trung bình thấp do có tính thời trang cao, nhu cầu phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, thị hiếu vùng miền", TS. Cẩm nhận định.

photo-1619670338112

NLĐ phải có sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ, trình độ và kỹ năng. Ảnh minh họa

Do đó, để khuyến nghị giải pháp đối với các doanh nghiệp dệt may, TS. Trương Văn Cẩm cho rằng, các doanh nghiệp cần có nhận thức đúng, tìm hiểu kỹ về công nghiệp 4.0, sự tác động của nó đến ngành dệt may bằng cái nhìn thực tế, khách quan phù hợp với đặc điểm của một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp với giá cả hợp lýĐồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.

Đặc biệt, để thích ứng với những điều kiện mới, NLĐ phải có sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ, trình độ và kỹ năng. Trong đó, về thay đổi nhận thức và thái độ: NLĐ cần phải hiểu đúng về CMCN 4.0, những cơ hội và thách thức, cũng như những tác động của cuộc cách mạng đối với ngành nghề, DN, công việc mà mình đang đảm nhiệm.

NLĐ cần nhận thấy rằng, họ chính là một trong những đối tượng bị tác động chính trong cuộc CMCN 4.0. Thay vì phớt lờ hay bất mãn, NLĐ cần có thái độ chủ động hợp tác với DN, tổ chức Công đoàn và đồng nghiệp trong chuyển đổi nghề nghiệp (nếu cần) hoặc tích cực nâng cao năng lực bản thân để đáp ứng điều kiện mới.

NLĐ cũng cần được nâng cao về trình độ, trang bị nhiều kĩ năng để bắt kịp yêu cầu của công việc. Ví dụ, nhân lực kỹ thuật cao trong ngành May phải biết sử dụng công nghệ sản xuất thông minh như chế tạo cữ dưỡng cho máy lập trình, thiết kế dây chuyền may sử dụng công nghệ số, thiết kế mẫu bằng công nghệ 3D, kiểm soát chất lượng thông minh, điều hành dây chuyền may dạng tế bào ứng dụng công nghệ số...

Mạnh Thắng
Ý kiến của bạn
Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4

Lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 2.600 lượt chuyến bay và 440.000 lượt hành khách đi và đến trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay.