Thách thức tạo sức bật cho doanh nghiệp trước đại dịch Covid 19
Đây là nhận định của ông Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Tiêu dùng Việt Nam và Lễ công bố & vinh danh 100 sản phẩm, dịch vụ Tiêu dùng năm 2020 được tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội.
Thách thức tạo ra sức bật và cơ hội
Tại Diễn đàn, 100 sản phẩm, dịch vụ được người tiêu dùng bình chọn năm 2020 đã được vinh danh.
Trong suốt thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 11/2020, từ trên 6.790 sản phẩm, dịch vụ được đề cử, Ban tổ chức chương trình đã nhận lại được 29.340 phiếu bình chọn, 79.280 ý kiến đánh giá trực tuyến. Sản phẩm dịch vụ bình chọn được chia theo 6 nhóm ngành chính, bao gồm: Nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Nhóm thực phẩm – đồ uống và dịch vụ bán lẻ; Nhóm sản phẩm gia dụng, nội ngoại thất, bất động sản; Nhóm chăm sóc sức khỏe – làm đẹp; Nhóm vận chuyển, nghỉ dưỡng, ẩm thực; Nhóm giáo dục, công nghệ, viễn thông.
Tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ đã vượt qua những khó khăn, rào cản của đại dịch Covid 19 để vươn lên, tìm kiếm cơ hội mới mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người dùng ưa chuộng và đánh giá cao, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm, dịch vụ có quá trình chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả, có doanh thu ổn định.
Theo ông Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế: "Thách thức sẽ tạo sức bật cho các doanh nghiệp nắm bắt xu thế tốt, cung cấp đủ hàng hóa tới các kênh để có thể đáp ứng người tiêu dùng, không ngừng tuyên truyền thông điệp an toàn tới nhân viên, khách hàng và cộng đồng".
Từ góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lớn, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, kiêm Giám đốc mảng kinh doanh gạo cho biết: "Ngay khi đại dịch Covid 19 xảy ra, doanh nghiệp đã xác định ngành lương thực là ngành thiết yếu, cần sự đầu tư nghiêm túc để phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực".
"Tất cả được làm với tâm huyết của doanh nghiệp là hướng đến sản phẩm chất lượng và tiện lợi trong xu hướng tiêu dùng. Ngày nay, Việt Nam không chỉ quan tâm ăn ngon mà là ăn sạch hơn, an toàn hơn, cùng với đó là sự cạnh tranh về dịch vụ khách hàng. Điều đó buộc doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ cho chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, giao hàng nhanh chóng, tiện lợi", ông Trung chia sẻ.
"Lửa thử vàng"
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết đây là giai đoạn xuất hiện những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên họ cũng cho rằng đây là cơ hội "lửa thử vàng". Chính những thử thách của thị trường, của chuỗi phân phối sẽ tạo sức bật cho doanh nghiệp, cũng như những sản phẩm dịch vụ của họ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): "Dịch bệnh Covid 19 đã làm thay đổi cách thức kinh doanh và tác động nhiều đến doanh nghiệp nhưng ở góc độ khách, đây là cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực, nhanh chóng chuyển mình, ứng dụng công nghệ mới có thể vượt qua khó khăn.
Các sản phẩm, dịch vụ được vinh danh đã vượt qua những khó khăn, rào cản của đại dịch Covid 19 để vươn lên, tìm kiếm cơ hội mới, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao".
Ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Mội trường của Quốc hội cho biết: "Các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp nỗ lực từng ngày, từng giờ để vượt qua khó khăn, thách thức. Những tín hiệu khả quan về phục hồi kinh tế, đặc biệt từ khối các doanh nghiệp ngành tiêu dùng cho thấy đó chính là cơ sở lạc quan về phục hồi và bứt phá tăng trưởng trong thời gian tới".
Trương HưngPhó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch.