Thách thức từ chuỗi cung ứng cao su tiểu điền

Kinh doanh
04:17 PM 15/07/2025

Chuỗi cung cao su từ tiểu điền, chiếm tới 63% tổng sản lượng cao su nguyên liệu cả nước, đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của ngành cao su Việt Nam khi đối mặt với Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR).

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Việt Nam hiện đứng thứ tư toàn cầu về xuất khẩu cao su tự nhiên, đạt hơn 2 triệu tấn vào năm 2024, giá trị tương đương 3,4 tỷ USD. Các sản phẩm cao su công nghiệp xuất khẩu như lốp xe, linh kiện cũng mang về 5,1 tỷ USD cho nước ta. Trên thế giới, thị trường EU chiếm hơn 627 triệu USD, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng có tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất về phát triển bền vững.

Thách thức từ chuỗi cung ứng cao su tiểu điền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: THSP

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2026, toàn bộ sản phẩm cao su và cà phê xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR), yêu cầu truy xuất nguồn gốc và chứng minh chuỗi cung ứng không liên quan đến phá rừng. Với nguồn nguyên liệu chủ yếu từ các nông hộ nhỏ lẻ, ngành cao su Việt Nam đang đối mặt sức ép lớn trong việc minh bạch hóa dữ liệu sản xuất.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dù Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp”, mọi lô hàng vẫn phải chứng minh tính hợp pháp thông qua dữ liệu địa lý và hồ sơ pháp lý đầy đủ. EU không có ngoại lệ trong thực thi EUDR đối với bất kỳ quốc gia nào.

Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), phần lớn nguyên liệu cao su trong nước đến từ nhóm hộ tiểu điền. Cao su tiểu điền - chiếm 54% diện tích và khoảng 63% sản lượng - đang là mắt xích yếu nhất. Hầu hết các hộ trông cao su ở Việt Nam chưa có sổ ghi chép sản xuất, giấy tờ đất không đầy đủ, trong khi việc thu mua diễn ra qua các kênh phi chính thức. Nguyên liệu từ các hộ thường bị trộn lẫn, không có hợp đồng, hóa đơn hay hệ thống định danh. Các đại lý trung gian thường không đăng ký kinh doanh, không lưu trữ dữ liệu, khiến nguyên liệu bị "mất dấu" ngay từ khâu đầu tiên.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nắm rõ quy định mới, thiếu thông tin hướng dẫn và không được hỗ trợ cụ thể. Mối liên kết giữa nông dân - đại lý thu mua - nhà máy còn lỏng lẻo, trong khi chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa thực sự chủ động vào cuộc.

Theo chuyên gia Nguyễn Vinh Quang - Tổ chức Forest Trends, phần lớn giao dịch trong chuỗi cao su tiểu điền hiện nay chưa đủ điều kiện đáp ứng EUDR. Dù chiếm tới 88% diện tích thu hoạch và hơn 60% sản lượng, nhóm hộ nhỏ này vẫn vận hành chủ yếu qua các kênh không chính thức, không lưu trữ dữ liệu. Khảo sát của tổ chức này cho thấy, đa số trong hơn 260.000 hộ trồng cao su không ghi chép giao dịch hay lưu hồ sơ sản xuất.

Ở cấp xã, mỗi nơi có khoảng 10-20 điểm thu gom nhưng phần lớn không đăng ký kinh doanh, không số hóa dữ liệu. Các đại lý vừa thu mua trực tiếp từ hộ dân, vừa gom lại từ các đại lý khác, khiến chuỗi cung ứng mất kiểm soát. Ngay cả các nhà máy sơ chế cũng thường chỉ nhận danh sách hộ từ đại lý mà không có phương pháp xác minh.

Dù vậy, một số tín hiệu tích cực đang xuất hiện. Một số doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước đã áp dụng hệ thống truy xuất nội bộ, cấp chứng chỉ bền vững, thiết lập bản đồ vùng trồng. Một số doanh nghiệp tư nhân cũng đang liên kết với hộ dân để định vị thửa đất, số hóa giao dịch và quản lý hồ sơ bằng phần mềm.

VRA đang phối hợp xây dựng tài liệu hướng dẫn, tổ chức hội thảo tập huấn và thiết lập hệ thống chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế. Hiệp hội cho rằng điều quan trọng là sớm hình thành một nền tảng truy xuất quốc gia thân thiện với người dùng, đạt chuẩn EUDR và có thể hỗ trợ doanh nghiệp tạo báo cáo DDS (hệ thống thẩm định rủi ro). Cùng với đó là chính sách hỗ trợ pháp lý về đất đai, phần mềm giao dịch và khuyến khích các mô hình tiên phong.

VRA cũng kiến nghị Chính phủ xem xét một giai đoạn chuyển tiếp 2-3 năm dành riêng cho nhóm tiểu điền để có thời gian thích nghi và tận dụng các gói hỗ trợ kỹ thuật từ EU. Các doanh nghiệp được khuyến nghị từ bỏ tâm thế chờ đợi quy định mà chủ động hành động nếu muốn giữ được thị phần tại châu Âu.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng cơ chế tài chính để duy trì hệ thống dữ liệu vùng trồng và thúc đẩy hợp tác với EU. Các địa phương được yêu cầu cập nhật dữ liệu thường xuyên, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp và hộ dân hoàn thiện hồ sơ trước thời điểm quy định có hiệu lực.

Việc thích ứng với EUDR vừa để duy trì thị trường xuất khẩu, vừa là cơ hội để ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là nhóm tiểu điền, nâng cấp toàn diện và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 5,45 tỷ USD Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 5,45 tỷ USD

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt hơn 947 nghìn tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và tăng mạnh 66,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.