Thái Bình: Ai hưởng lợi từ việc cải tạo mặt bằng canh tác để khai thác đất đem bán?

Địa phương
10:22 AM 16/01/2021

Vừa qua, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị nhận được phản ánh của người dân tại 2 thôn Trà Lý và Hải Nhuận thuộc xã Đông Quý, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình về tình trạng nhiều ngày nay từng đoàn xe của một số cá nhân trên địa bàn chở đất không được che chắn cẩn thận chạy rầm rập trên các tuyến đường liên thôn ra tới quốc lộ mà không có cơ quan chức năng nào xử lý, khiến người dân bức xúc.

Trước phản ảnh trên của người dân phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị (PV) đã thực tế đi theo các xe chở đất nói trên thì nhận thấy hàng chục xe tải loại 7,5 tấn nối đuôi nhau ra vào để chở đất được xúc trực tiếp tại cánh đồng thôn Trà Lý bởi hai chiếc máy xúc hoạt động liên tục.

photo-1610598742097

Các xe tấp nập ra vào đổ đất vừa khai được cho nhà máy gạch tại chân cầu Trà Lý

Đoàn xe này sẽ chia làm hai hướng, một số chở đất về điểm tập kết cách cánh đồng khai thác khoảng 700m, số khác thì chạy tắt qua làng và chở ra quốc lộ vòng xuống chân cầu Trà Lý bán cho nhà máy sản xuất gạch và vật liệu xây dựng tại đây.

Một người dân sinh sống tại đây cho biết, mỗi ngày có khoảng 10 - 15 lượt xe di chuyển qua đường đê vòng qua cả đường dân sinh trong thôn gây ra khói bụi, vương vãi đất ra đường mà không thấy cơ quan chức năng nào xử lý nhắc nhở.

photo-1610598743492

Các xe chở đất không phủ bạt ngang nhiên chạy trên đường QL

Theo quan sát thực tế của PV, đoạn đường đê mà các xe này đi qua đều bị hư hỏng, xuất hiện ổ gà, tấm bê tông dầy bắc qua mương để dẫn nước phục vụ trồng trọt bị lật lên và có nguy cơ nứt vỡ do đây là con đường duy nhất dẫn vào khu vực cánh đồng để khai thác.

Trao đổi với PV, Đại diện chính quyền xã Đông Quý cho biết: "Xuất phát từ nhu cầu của nhân dân thống nhất với chính quyền thôn đã làm đơn xin hạ thấp mặt bằng ruộng để đảm bảo cho cái gieo cấy do đặc thù địa hình mặt bằng ruộng ở khu vực này hơi cao, việc bơm nước gặp khó khăn không đủ cung cấp cho canh tác. Còn họ chở đi đâu bán hay làm gì thì chúng tôi không nắm được!?.

Hiện nay có hai cá nhân đứng ra thực hiện thu gom đất là hộ ông Quân và ông Thái, chúng tôi cũng đã yêu cầu cam kết nếu hỏng đâu thì phải tu sửa, hoàn lại hiện trạng ban đầu đồng thời giao Hợp tác xã nông nghiệp, trưởng thôn giám sát về độ sâu và diện tích đào theo quy định".

photo-1610598744348

Các máy múc đang hoạt động hết công suất

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong đơn xin cải tạo ruộng của bà con chỉ đề nghị hạ mặt bằng lấy đi với chiều sâu là 0,15 cm tới 0,20 cm, nhưng quan sát của PV cho thấy có chỗ bị đào tới 40 – 50 cm mà vẫn không thấy bóng dáng của các thành viên giám sát đâu. Phần ý kiến của UBND xã trong đơn cũng bị bỏ trống thì lấy gì làm căn cứ "đồng ý" theo lời vị chủ tịch xã này chia sẻ?

photo-1610598745249

Đất sau khi khai thác được chuyển thẳng về bãi tập kết gần đó chờ đem đi bán.

Việc cấp phép khai thác tài nguyên liệu có đúng với thẩm quyền của UBND xã, dù là vì mục đích phục vụ lợi ích của người dân? Chưa kể việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý và khai thác, vận chuyển đất ra khỏi địa bàn mới khiến người dân bức xúc phản ánh tới Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị. Ai mới là người hưởng lợi trực tiếp từ việc "cải tạo" vốn được UBND xã đồng ý (về mặt chủ trương) này?

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Tiền Hải, phản ánh tới công an huyện Tiền Hải nhằm sớm giải đáp các thắc mắc nêu trên với bạn đọc trong các số tiếp theo.

Nhóm PV
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tìm giải pháp phát triển cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại làng nghề Hà Nội: Tìm giải pháp phát triển cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại làng nghề

Trong tháng 5 tới, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.