Thái Bình: Bảo tồn và phát huy các giá trị chèo cổ
Bước vào thời kỳ đổi mới, sân khấu nghệ thuật dân tộc nói chung, sân khấu chèo chuyên nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn trước sự đổ bộ của rất nhiều loại hình giải trí. Trước tình hình đó, tỉnh Thái Bình đã chú trọng phát triển phong trào hát chèo, diễn chèo trong quần chúng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị chèo cổ.
Làng chèo Hà Xá thuộc xã Tân Lễ (Hưng Hà) là một trong ba làng chèo cổ nổi tiếng của tỉnh Thái Bình. Để phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của làng chèo Hà Xá, một điểm đến văn hoá của Thái Bình, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Bình đã tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật chèo cổ. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị chèo cổ là một trong những vấn đề cấp thiết để gìn giữ văn hoá cha ông.
Trong các buổi học, các thành viên câu lạc bộ chèo Hà Xá đã được học hỏi thêm về chèo. Cụ thể, các thầy cô đã mang tới buổi học một số trích đoạn, làn điệu chèo cổ tiêu biểu; những kỹ năng cơ bản về hát, múa chèo, tập luyện tiết mục múa và sử dụng một số nhạc cụ phục vụ biểu diễn chèo. Từ những buổi học như thế, những thành viên câu lạc bộ chèo Hà Xá càng thêm yêu nghệ thuật truyền thống của quê hương
Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, ông Đinh Bá Khải chia sẻ: Huyện Hưng Hà quyết tâm từng bước khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật chèo để làm sao chèo Hà Xá dần trở lại với đời sống sinh hoạt của bà con nơi đây. Điều này cũng sẽ góp phần tạo nên giá trị sản phẩm văn hóa du lịch trên địa bàn huyện Hưng Hà.
Các thành viên câu lạc bộ chèo Hà Xá biểu diễn. Ảnh: Báo Thái Bình
Câu lạc bộ Chèo Hà Xá bao gồm các hạt nhân văn nghệ, thành viên CLB chèo tại địa phương, giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn xã. Với 40 thành viên ở mọi lứa tuổi, trong đó có những cụ ông, cụ bà đã ngoài 70, các em học sinh tiểu học và trung học trên địa bàn xã. Với niềm yêu chèo cháy bỏng, câu lạc bộ là nơi sinh hoạt và truyền dạy chèo cổ ấm cúng cho những người yêu chèo.
Em Hà Nguyễn Trà My, lớp 7A1, Trường THCS Phạm Đôn Lễ, một thành viên trẻ của câu lạc bộ Chèo Hà Xá chia sẻ: "Em thấy chèo dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác. Ở câu lạc bộ, em được học nhiều bài hát chèo, được giảng giải ý nghĩa câu từ trong các bài hát, trích đoạn chèo cổ, thông qua đó hiểu hơn tiếng hát chèo của cha ông. Em thấy thêm yêu, thêm tự hào về đất nước và về nghệ thuật chèo của quê hương mình".
Còn ông Trần Bá Hỏi, một thành viên cao tuổi của CLB chèo Hà Xá cho biết, ông lớn lên trong tiếng hát chèo của bà, của mẹ, và có tình yêu với chèo từ đó. Theo thời gian niềm yêu chèo của ông lớn dần lên, được tin Trung tâm Văn hóa tỉnh mở lớp truyền dạy nghệ thuật chèo, ông đã tham gia tích cực và tập luyện chăm chỉ.
Ông Hỏi chia sẻ, ông thích thú và ấn tượng nhất với bài hát "Hát về Tổ quốc hôm nay" bởi khi hát những ca từ của bài hát đó, lòng tự hào dân tộc trong ông trào dâng. Bài hát cho ông thêm niềm tin yêu và niềm tự hào tổ quốc. Ông Hỏi cho biết không chỉ ông, mà còn nhiều người trong câu lạc bộ cũng thấy vậy. Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục trau dồi kỹ năng hát chèo để có thể truyền lại cho con cháu mình tình yêu với nghệ thuật chèo.
Nghệ sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Sân khấu âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, cũng là giảng viên trực tiếp của lớp truyền dạy nghệ thuật chèo chia sẻ, các thành viên trong lớp học đều bận với công việc riêng, nhưng mọi người đều đều chăm chỉ tự rèn luyện, trau dồi kỹ năng hát, múa. Với tình cảm của mọi người dành cho môn nghệ thuật chèo, giảng viên luôn cố gắng để có thể chia sẻ hết những kiến thức đã được các bậc cha anh đi trước truyền lại.
Kết thúc khoá học với thời gian không quá dài, các học viên đã có thể biểu diễn thật tự tin và cảm xúc một số làn điệu như lới lơ, đào liễu, đò đưa, hề mồi thắt lưng xanh, đường trường thu không, con nhện giăng mùng và trích đoạn "Lý trưởng mẹ Đốp" trong vở chèo "Quan âm Thị Kính".
Hà Xá là một trong những vùng chèo cổ nổi tiếng của Thái Bình. Để nghệ thuật chèo phát triển và lưu giữ tới ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực không ngừng của bao thế hệ nghệ nhân chèo truyền đời "giữ lửa" tạo nên nét riêng của chèo Thái Bình.
Các lớp truyền dạy nghệ thuật chèo diễn ra ở nơi đây đã góp phần khôi phục, bảo tồn vùng chèo cổ. Không chỉ vậy, các hoạt động truyền dạy nghệ thuật chèo còn phục vụ quá trình xây dựng hồ sơ nghệ thuật chèo đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, từ đó xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Đối với nhiều người dân yêu chèo Thái Bình, hát chèo khó nhưng đó là bản sắc của quê hương, của dân tộc nên họ càng phải cố gắng giữ gìn. Giờ đây, khi thế hệ trẻ dần hiểu chèo, yêu chèo, thế hệ đi trước cảm thấy thật tự hào vì đã góp phần truyền lửa cho con cháu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá quê hương.
Minh HùngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.