Thái Bình: Cặp bánh kỷ lục nặng 400kg trong lễ hội đền Trần

Địa phương
07:16 PM 31/01/2023

Năm 2023 là năm đầu tiên lễ hội đền Trần được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, bên cạnh các vật phẩm và nghi lễ truyền thống, lễ hội này còn có một cặp bánh kỷ lục là bánh nướng và bánh dẻo với khối lượng tổng thể là 400kg dùng để dâng các vua Trần.

Lễ hội Đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 3/2/2023 đến ngày 7/2/2023 (từ ngày 13 tháng Giêng đến hết ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mão).

Thái Bình: Cặp bánh kỷ lục nặng 400kg dâng vua Trần trong lễ hội đền Trần. - Ảnh 1.

Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2023

Những năm qua, lễ hội đền Trần Thái Bình đã thu hút hàng triệu du khách trong cả nước về du xuân và trải nghiệm một lễ hội đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Triều đại nhà Trần là một trong những triều đại phong kiến hưng thịnh và có nhiều chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Năm 2023 là năm đầu tiên lễ hội đền Trần được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, bên cạnh các vật phẩm và nghi lễ truyền thống, lễ hội này còn có một cặp bánh kỷ lục là bánh nướng và bánh dẻo với khối lượng tổng thể là 400kg dùng để dâng các vua Trần. 

Bánh do Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng sản xuất từ các sản vật phẩm có sẵn trên quê hương Thái Bình. Bánh được đặt trên kệ gỗ có bánh xe, cặp bánh được truyền cảm hứng từ những vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Việt, là sự kết tinh hài hòa, chứa đựng hơi thở của đất trời hòa quyện tinh túy với thiên nhiên đất mẹ và được Ban Tổ chức dâng tưởng niệm các vị vua Trần. Có nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc và các trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội này.

Công tác chuẩn bị sẵn sàng cho lễ hội 

Đại Việt sử ký toàn thư, viện sử thông giám cương mục đều ghi: Tổ tiên nhà Trần đời nối đời đều làm nghề chài lưới. Từ thế kỷ 12, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá trên lưu vực sông Hồng, sông Luộc. Bởi thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp (Cụ của vua Trần Thái Tông) di chuyển mộ của cha và vợ đến vùng đất Thái Đường - Ngự thiên (Thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và định cư từ đó.

Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Hệ thống các di tích lịch sử ở đây gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.

Đường vào và đền thờ chính của đền Trần

Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần, Đức thánh Trần Hưng Đạo, Hoàng hậu và Công chúa triều Trần đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.

Kiến trúc chung gồm 3 đền chính: Đền Vua thờ Thái Tổ Trần Thừa và các Vua Trần, đền Thánh thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đền Mẫu thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Hoàng hậu và Công chúa Triều Trần.

Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Riêng Toà hậu cung đền Trần là một phần trong tổng thể kiến trúc có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359m2, được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ; sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.

Những công trình kiến trúc trong đền Trần Thái Bình

Nơi đây được gọi là Thái Đường Lăng, hiện còn di tích là ba ngôi mộ táng ba vị vua đầu tiên của Triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.

Lễ hội đền Trần Thái Bình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL ngày 27/01/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Qua các hoạt động lễ hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Thành Trung
Ý kiến của bạn