Thái Bình: Chính quyền liệu có 'ngó lơ' cho sai phạm tại nhà máy nước Đống Năm?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
08:19 PM 29/12/2020

Qua hai lần kiểm tra lập biên bản và thanh tra toàn diện vào năm 2019, cơ quan chức năng đã chỉ rõ sai phạm của Công ty TNHH TM Đỗ Gia Bảo trong việc xây dựng công trình nhà điều hành nhà máy nước Đống Năm (trụ sở tại thôn Đống Năm, xã Đông Động, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) sai vị trí, công năng cũng như số tầng so với mặt bằng xây dựng tổng thể đã được duyệt trước đó. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thiện và ngang nhiên đi vào hoạt động như một lời thách thức đối với các cơ quan chức năng hay liệu rằng có sự tiếp tay của thế lực nào phía sau nhằm “ngó lơ” cho sai phạm mặc nhiên tồn tại?

Công trình nhà điều hành nói trên nằm trong dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước, cung cấp nước sinh hoạt cho 6 xã: Đông Động, Đông Quang, Đông Hà, Đông Xuân, Đông Vinh, Đông Các huyện Đông Hưng (Nhà máy nước Đống Năm – PV) do Công ty TNHH Thương mại Đỗ Gia Bảo làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thái Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 08121000331 ngày 18 tháng 7 năm 2013.

 THÁI BÌNH: CHÍNH QUYỀN LIỆU CÓ “NGÓ LƠ” CHO SAI PHẠM TẠI NHÀ MÁY NƯỚC ĐỐNG NĂM? - Ảnh 1.

Công ty TNHH Thương mại Đỗ Gia Bảo, chủ đầu tư xây dựng công trình nhà điều hành nhà máy nước Đống Năm

Theo tìm hiểu của PV, Giấy phép xây dựng số 11/GPXD do UBND huyện Đông Hưng cấp ngày 03 tháng 7 năm 2014, hạng mục công trình nhà điều hành: cốt nền xây dựng  0,75m. Diện tích xây dựng (tầng một): 321,9m2. Diện tích sàn mái: 947,2m2. Chiều cao công trình: 13,3m (đến đỉnh mái tôn), số tầng: 03. 

Trên thực tế, tại thời điểm phóng viên ghi nhận và quan sát bằng mắt thường phía bên ngoài tòa nhà gồm có 04 tầng (bao gồm 1 tầng hầm). Phần hành lang đi lên sảnh được thiết kế vòng ra phía sau thay vì mặt chính diện như bản vẽ thiết kế. Vị trí công trình nằm ngang phía bên trái cổng chính thay vì nằm dọc theo cổng chính tại vị trí số 3 trong bản quy hoạch điều chỉnh tổng mặt bằng xây dựng.

 THÁI BÌNH: CHÍNH QUYỀN LIỆU CÓ “NGÓ LƠ” CHO SAI PHẠM TẠI NHÀ MÁY NƯỚC ĐỐNG NĂM? - Ảnh 2.

Mặt cắt đứng trục mặt trước của bản thiết kế thể hiện 3 tầng nhưng thực tế tòa nhà được xây dựng 04 tầng, bao gồm 01 tầng hầm.

 THÁI BÌNH: CHÍNH QUYỀN LIỆU CÓ “NGÓ LƠ” CHO SAI PHẠM TẠI NHÀ MÁY NƯỚC ĐỐNG NĂM? - Ảnh 3.

Mặt bằng xây dựng tổng thể thể của dự án

Trong giấy phép xây dựng 11/GPXD do UBND huyện Đông Hưng cấp ngày 03 tháng 7 năm 2014 nêu rõ: "Giấy phép này có hiệu lực khởi công xây dựng trong 12 tháng kể từ ngày cấp, quá thời hạn trên thì phải đề nghị gia hạn GPXD". Nhưng tại thời điểm 2019, đoàn kiểm tra do Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Hưng cùng UBND xã Đông Động tiến hành kiểm tra lập biên bản vi phạm khi công trình đang triển khai hoàn thiện xong phần thân tầng 1, bắt đầu xây dựng cột tầng 2. Tổng diện tích xây dựng khoảng 320m2. Như vậy, ngoài việc xây sai vị trí, số tầng so với quy hoạch mặt bằng tổng thể xây dựng, thời điểm đó GPXD cũng đã hết hiệu lực trong khi chủ đầu tư là Công ty TNHH TM Đỗ Gia Bảo chưa thực hiện bất cứ thủ tục nào xin điều chỉnh mặt bằng xây dựng tổng thể cũng như cấp phép xây dựng lại.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Trung - Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Hưng cho biết: "Về mặt quản lý Nhà nước, UBND huyện là đơn vị cấp phép xây dựng dựa trên hồ sơ xin cấp phép của công ty và quy hoạch mặt bằng tổng thể đã được Sở Xây dựng phê duyệt. Về thiết kế của Công ty TNHH TM Đỗ Gia Bảo đã xây dựng sai so với mặt bằng tổng thể và bản vẽ chi tiết đăng ký ban đầu. Vì nhà máy nước nằm trong cụm công nghiệp nên do bên Trung tâm phát triển cụm CN quản lý về mọi hoạt động cũng như giám sát công suất của các doanh nghiệp trong cụm CN nói chung. Cũng trong năm 2019 Phòng Nông nghiệp huyện cũng tham mưu UBND huyện báo cáo UBND tỉnh Thái Bình lập đoàn thanh tra toàn bộ dự án bao gồm cả đất đai và xây dựng. Trong kết luận thanh tra có nêu rõ nhưng chúng tôi cũng chưa nắm được nội dung".

Trả lời câu hỏi của PV vì sao tại thời điểm kiểm tra công trình còn đang xây dựng dở dang đã phát hiện sai phạm mà để tới nay công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vẫn không bị xử lý? Ông Vũ Duy Dũng cán bộ Trung tâm PT CCN huyện Đông Hưng cho biết: "Năm 2019, phòng kinh tế hạ tầng phối hợp với Trung tâm PT CCN kiểm tra tình hình sử dụng đất, tiến độ thực hiện dự án. Quá trình kiểm tra hiện trạng phát hiện sai phạm nêu trên đã lập biên bản và yêu cầu công ty dừng ngay việc đầu tư xây dựng nhà điều hành để hoàn thiện các hồ sơ thủ tục có liên quan (điều chỉnh mặt bằng tổng thể và cấp phép xây dựng) trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn chế tài xử phạt do bên mình là đơn vị sự nghiệp nên không có chức năng xử phạt. Giấy phép chỉ có thời hạn trong vòng 01 năm, khi hoàn thiện họ (chủ đầu tư - PV) cũng không có báo cáo nên mình không nắm được họ hoàn thiện khi nào nhưng cũng mới thôi còn giấy phép cấp từ năm 2014.

Ông Đỗ Đức Uyển – Giám đốc Công ty TNHH TM Đỗ Gia Bảo, chủ đầu tư Dự án nhà máy nước Đống Năm cho biết: "Đây là dự án phục vụ dân sinh, đáng ra xây xong từ 2017 nhưng do kinh phí có hạn nên mới xây được 1 tầng, đến 2019 mới tiếp tục hoàn thiện để đến tháng 4/2020 mới chính thức đi vào hoạt động. Khi xin đăng ký hồ sơ dự án là xin 3 tầng nhưng do chưa hoàn thiện được ngay nên chưa được cấp kinh phí từ nguồn hỗ trợ sau đầu tư theo Quyết định 219 của UBND tỉnh. Doanh nghiệp mải chú trọng đầu tư vào hệ thống xử lý nước, bể lọc.. nên thậm chí còn dựng lán tạm làm nhà điều hành chứ chưa thể có kinh phí xây dựng xong theo đúng tiến độ theo GPXD. Toà nhà đúng ra là nằm dọc cổng vào nhưng đến khi tôi thấy không hợp lý thì tôi xoay nằm ngang, còn diện tích xin 1.000m2 thì tôi xây đúng 1.000m2. Khi xin dự án bản vẽ là như thế nhưng thi công thực tế không hợp lý nên phải thay đổi, thậm chí tất cả các hạng mục ở đây đều không đúng với bản vẽ chứ không phải riêng toà nhà này".

Việc phát hiện và xử lý vi phạm không kịp thời nhất là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhưng một dự án phục vụ dân sinh có quy mô không hề nhỏ lại tự ý điều chỉnh quy hoạch so với mặt bằng xây dựng tổng thể vốn được thẩm định và cấp phép bởi nhiều ban ngành có liên quan khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan này.

Có hay không việc bao che, bỏ qua sai phạm, cố tình buông lỏng quản lý hay chức năng giám sát của chính quyền địa phương trong việc xử lý dứt điểm vấn đề này? Nội dung và việc thực hiện kết luận Thanh tra mà ông Trung nhắc tới ở trên ra sao PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các số tiếp theo.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn