Thái Bình: Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững

Địa phương
04:40 PM 19/06/2023

Việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Thái Bình có những dấu ấn nhất định, từ đó nâng cao giá trị nhiều sản phẩm, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Qua hơn 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.

Chương trình Ocop thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao một số sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của Thái Bình. Ảnh: Báo Thái Bình

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng "Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình năm 2020 và định hướng đến năm 2030" và xây dựng các Kế hoạch triển khai Chương trình cho từng năm. 

Đề án OCOP Thái Bình được xây dựng trên quan điểm lấy người dân làm chủ thể của quá trình thông qua HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng tổ chức sản xuất; phát huy tính chủ động, tự tin, sáng tạo của cộng đồng. Các địa phương xác định được các sản phẩm chủ lực, chuyển dịch từ sản phẩm nhỏ lẻ, manh mún trở thành chuỗi liên kết, tạo ra lợi nhuận bền vững, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Từ năm 2018-2020, cụ thể hóa các cơ chế chính sách và quy định của Trung ương, tỉnh Thái Bình đã ban hành cơ chế hỗ trợ mỗi huyện, thành phố 1 tỷ đồng để xây dựng từ  2 sản phẩm đặc thù trở lên của mỗi địa phương. Từ năm 2021 đến hết năm 2022, mặc dù chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, Thái Bình đã hỗ trợ trực tiếp cho các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP hàng năm.

Cùng với đó, đến nay cấp tỉnh đã tổ chức tập huấn cho trên 500 lượt cán bộ các sở, ngành, các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình; cấp huyện đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho trên 1.000 lượt người (cán bộ cấp huyện, xã, các thôn) về Chương trình OCOP. Thành lập Đoàn công tác của thường trực OCOP cấp tỉnh kiểm tra, đôn đốc công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP tại các huyện, thành phố.

Chương trình Ocop thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cắt băng khai trương Sàn Giao dịch giới thiệu sản phẩm của Thái Bình.

Nhờ sự cố gắng, nỗ lực, Chương trình OCOP của tỉnh đã có những dấu ấn nhất định, bước đầu đạt được những kết quả khả quan, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao. Từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh có 112 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 64 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Cụ thể: Năm 2020 có 17 sản phẩm đạt 4 sao; năm 2021 có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao; năm 2022 có 32 sản phẩm 3 sao; 16 sản phẩm 4 sao. Về số lượng chủ thể sản phẩm OCOP có 67 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố, trong đó có 25 doanh nghiệp, 29 hợp tác xã và 13 hộ kinh doanh,…

Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín từ các khâu: nuôi, trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm. Quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu, khả năng hội nhập toàn cầu có tiềm năng rất lớn. 

Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20%-30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.

Chương trình Ocop thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững - Ảnh 3.

Sản phẩm gạo nếp thơm truyền thống Vũ Tây của HTX SXKD DVNN Vũ Tây, xã Tây Sơn (Kiến Xương) được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Báo Thái Bình

Ngày 12/2/2023, tại Quảng Ninh, khi thăm gian hàng trưng bày và giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư của Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ ấn tượng với sự đa dạng chủng loại, chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, chủ lực của Thái Bình. Thủ tướng đánh giá cao sức sáng tạo, trình độ sản xuất của người dân, doanh nghiệp Thái Bình đã làm ra những sản phẩm giàu bản sắc văn hóa vùng miền và đề nghị địa phương cần phát huy hơn nữa, có chiến lược phát triển, nâng tầm giá trị các sản phẩm đặc trưng, chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới Thái Bình sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại như: Công tác tuyên truyền nhận thức Chương trình OCOP ở cơ sở còn hạn chế; sự liên kết sản xuất và chế biến tiên thụ chưa chặt chẽ; số lượng sản phẩm OCOP không đồng đều giữa các địa phương; số lượng sản phẩm OCOP từ những ý tưởng mới còn hạn chế; phương án kinh doanh của nhiều chủ thể ít đổi mới; sự cải tiến, nâng cấp sản phẩm OCOP ở một số cơ sở sản xuất chưa rõ rệt và khác biệt; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và kênh bán hàng các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng chưa đa dạng…

Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 - 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia. Có 50% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. 

Thái Bình ưu tiên phát triển các Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 40% chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 50% chủ thể tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,...); có ít nhất 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá đối với sản phẩm OCOP của tỉnh ít nhất 1 lần/năm.

Phan Anh
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.