Thái Bình: Chuyện người nông dân "hồi sinh" ruộng hoang, làm giàu từ cây lúa

Địa phương
06:06 PM 15/07/2023

Với mục tiêu "hồi sinh" những mảnh ruộng hoang, phát triển kinh tế nông nghiệp, người nông dân Thái Bình đã quyết tâm đầu tư trang thiết bị trong sản xuất lúa, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thái Bình là một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là nông sản trọng tâm với diện tích hàng năm đạt 155.000ha, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha/năm. Những năm gần đây, tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Hầu hết thế hệ trẻ đều đi tìm công việc mới ở các khu công nghiệp, xí nghiệp, công ty. Còn lực lượng trung niên, cao tuổi ở nhà sản xuất nông nghiệp. Nhưng do quá vất vả nên họ đành bỏ ruộng.

Xót xa những mảnh ruộng bị hỏ hoang, nhiều nông dân đã tìm cách "hồi sinh" những mảnh ruộng đó bằng... cây lúa. Điển hình trong số đó là bố con ông Phạm Văn Trung và anh Phạm Minh Tân (trú tại thôn Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc và thuê lại ruộng đất bỏ hoang của nông dân để trồng lúa giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Một số máy móc phục vụ sản xuất của gia đình anh Tân - Ảnh: Thành Trung

PV đã có buổi gặp gỡ anh Phạm Minh Tân trong một ngày nắng nóng gay gắt của mùa hè, khi đó anh đang cho máy cấy trên cánh đồng gia đình mình canh tác. Mặc dù khá bận rộn nhưng anh vẫn hồ hởi khi trao đổi với chúng tôi. 

Anh Tân chia sẻ: "Nông nghiệp là một nghề rất vất vả, không phải ai cũng dám đứng lên làm giàu từ nó. Chúng tôi là người con sinh ra và lớn lên từ làng quê, đồng ruộng nên mỗi khi nhìn thấy các thửa ruộng hoang, tôi rất xót xa và nghĩ cần phải làm điều gì đó cho quê hương, gây dựng lại phương pháp làm nông nghiệp theo cách mới. Từ đó tôi và bố tôi đã nung nấu ý định làm giàu từ... cây lúa. Thực hiện theo chủ trương tích tụ ruộng đất không để ruộng hoang, gia đình tôi đã liên hệ tới các gia đình có ruộng nhưng không còn cấy lúa để thuê lại và trồng lúa".

Anh Tân bên bãi mạ của gia đình. Ảnh: Hải Long

Đến nay, gia đình anh Tân đã mở rộng diện tích canh tác lên tới hơn 7ha tại 2 xã: xã Nam Chính hơn 2ha và xã Nam Hà hơn 5ha. Anh Tân đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, bao gồm: 3 máy cày Kubota 4018VN, 1 máy gặt Kubota DC70, 2 máy cấy Kubota 48C, 1 dàn máy gieo mạ khay Kubota K800VN và 1 dây chuyền sấy lúa thành phẩm với công suất 10 tấn/1 lần sấy (thời gian sấy khoảng thời gian từ 8 – 12 tiếng). Tổng giá trị đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nên đến hơn 3 tỷ đồng. 

Gần đây, gia đình anh đã quy hoạch và san lấp một bãi gieo mạ trên khay với diện tích lên tới 2000m². Ngoài canh tác trên diện tích đất ruộng của gia đình, anh Tân còn ký hợp đồng canh tác cho một số HTX giúp giải phóng sức lao động cho bà con nông dân mà lại nâng cao hiệu quả trong trồng lúa.

Gia đình anh Tân sử dụng máy cấy công nghệ mới trong canh tác. Ảnh: Hải Long

Ước tính mỗi vụ, gia đình anh gặt và cấy cho bà con nông dân từ 36 - 43ha, cày đất dịch vụ trên khu vực lên đến hơn 70ha. Hiện anh đang cấy giống lúa Nhật DS1, sản lượng ước tính trung bình từ 2,2 tạ đến 2,5 tạ/sào. Giống lúa trên sẽ được thương lái đến thu mua ngay tại đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch. Lợi nhuận gia đình anh thu được trung bình hàng năm lên tới 400 - 500 triệu/năm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Toàn cảnh một phần diện tích canh tác của gia đình anh Tân

Phương pháp làm ruộng mới của gia đình anh góp phần mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Anh Tân cho biết, trong thời gian tới gia đình anh sẽ tiếp tục thuê thêm nhiều diện tích đất để canh tác và phát triển thêm quy mô. 

Anh Tân hi vọng, chính quyền các cấp sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ các bà con nông dân thành lập mô hình HTX tư nhân để mở rộng kinh doanh và phát triển sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, thu hút bà con nông dân quay trở lại với ruộng lúa, nâng cao thu nhập từ nông nghiệp. 

Những thành quả trong nhiều năm qua là một nguồn động lực lớn giúp gia đình anh quyết tâm gắn bó với đồng ruộng và làm giàu bằng cây lúa trên chính mảnh đất quê hương mình.

Thành Trung - Hải Long
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.