Thái Bình: Cơ hội đầu tư vào khu công nghiệp Hải Long
Chiều 7/8, tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) đã diễn ra hội thảo xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố và 30 doanh nghiệp bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 6/2024, Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 4 về vốn đầu tư với 3.186 dự án và 40,23 tỷ USD, chiếm 8,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam từ năm 1988.
Tại hội thảo, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác phát triển và kêu gọi các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào KCN Hải Long, thuộc Khu kinh tế Thái Bình.
KCN Hải Long có quy mô gần 300ha nằm ở vị trí đắc địa, giao thông kết nối thuận lợi cả đường bộ, đường thủy giúp hoạt động logistics, thông thương trong nước và quốc tế dễ dàng, nhanh chóng. Đầu tư vào KCN Hải Long, các doanh nghiệp được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn theo quy định của Nhà nước, địa phương đối với khu kinh tế, KCN và cơ chế hỗ trợ thiết thực của nhà đầu tư hạ tầng.
Qua trao đổi trực tiếp tại hội thảo, các doanh nghiệp Đài Loan được cung cấp những thông tin chính thống về hệ thống pháp lý, thủ tục hành chính và các chính sách liên quan đến tài chính, thuế, đất đai, đầu tư… thấy rõ toàn cảnh về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan đánh giá cao và bày tỏ quan tâm nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào KCN Hải Long bởi đây là điểm đến đầu tư có nhiều ưu thế vượt trội về vị trí địa lý, giao thông thuận tiện, quy hoạch bài bản và định hướng phát triển KCN xanh, sử dụng năng lượng sạch.
Theo quy hoạch của nhà đầu tư hạ tầng, KCN Hải Long tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng, công nghiệp may mặc, dệt và hoàn tất sản phẩm vải cao cấp, công nghiệp gốm, sứ, các ngành công nghiệp phụ trợ và kho cảng, logistics.
Đây là các ngành sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, công nghệ sản xuất hiện đại, ít tác động đến môi trường, tận dụng được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn năng lượng tại chỗ của huyện Tiền Hải, tính Thái Bình.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.