Thái Bình: Cục QLTT làm tốt công tác chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại
Trong dịp cuối năm, chuẩn bị đón tết Nguyên đán, cũng là lúc thị trường thương mại nóng lên. Áp lực công việc đè nặng lên vai cán bộ công nhân viên chức của cục Quản lý thị trường.
Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Thái Hùng – Cục Phó Cục QLTT tỉnh Thái Bình đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
- PV: Thưa ông, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Cục QLTT đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ như thế nào?
- Ông Nguyễn Thái Hùng: Bám sát sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chúng tôi triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của Cục QLTT đã ban hành: Kế hoạch cao điểm kiểm tra những tháng cuối năm, trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022; Thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Thái Bình trong việc ban hành và chỉ đạo các sở ngành thành viên thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung, cầu và giá cả thị trường trên địa bàn, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường; kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình hình phức tạp về buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, không bảo đảm an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Tăng cường giám sát, nắm bắt địa bàn, tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm. Chú trọng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các mặt hàng thuộc nhóm bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán như: Thóc, gạo; đường ăn; thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản; dầu ăn; nước mắm; mỳ chính; sữa trẻ em dưới 6 tuổi; khẩu trang y tế; nước sát khuẩn và các mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón...
Ngăn chặn hiệu quả hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, lợi dụng dịch bệnh để vận chuyển, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- PV: Xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Cục QLTT?
- Ông Nguyễn Thái Hùng: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục QLTT Thái Bình gặp một số khó khăn: Thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đang diễn ra sôi động, sức mua tăng cao, việc lưu chuyển hàng hóa tăng nhanh sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hoạt động thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số để kinh doanh ngày càng phát triển là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng hoạt động sản xuất, kinh doanh phi pháp với phương thức thủ đoạn tinh vi: Các website và trang mạng xã hội dễ dàng đươc tạo ra và đóng lại; chủ thể bán hàng sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau, nhiều cá nhân kinh doanh không có cửa hàng mà hàng hóa để tại nơi ở của gia đình gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Điều kiện cơ sở vật chất của Cục QLTT hiện nay chưa có trụ sở riêng, được UBND tỉnh bố trí cho mượn trụ sở tạm đã xuống cấp lại thường xuyên phải di chuyển nên điều kiện làm việc của cán bộ, công chức còn gặp khó khăn như: Không có sân bãi để khám phương tiện và kho để bảo quản tạm giữ hàng hóa; trang thiết bị, điều kiện làm việc, công cụ, dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra thị trường còn thiếu, cũ lạc hậu; chưa có ô tô chuyên dùng nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên còn có nguyên nhân chủ quan đó là: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số công chức không đồng đều thiếu năng động, nhạy bén trong việc nắm tình hình địa bàn, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh với hành vi vi phạm.
- PV: Xin ông cho biết Cục QLTT đã xử lý những vấn đề phát sinh trong dịp Tết như: hàng lậu, hàng giả, hàng cấm như thế nào?
- Ông Nguyễn Thái Hùng: Trong dịp Tết sắp đến, hàng hóa diễn ra sôi động, là yếu tố dẫn đến các hoạt động tội phạm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh, doanh hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phi pháp, lừa dối người tiêu dùng với phương thức thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Trước tình hình trên, Cục QLTT đã lãnh đạo, chỉ đạo các Phòng chuyên môn nghiệp vụ, các Đội QLTT tập trung cao độ cho công tác chuyên môn, kiểm tra, xử lý một cách nhanh nhất để bảo vệ người tiêu dùng trước, trong và sau tết Nguyên đán
- PV: Thưa ông, hiện nay tinh thần của cán bộ, công chức trong toàn cơ quan khi thực hiện nhiệm vụ như thế nào?
- Ông Nguyễn Thái Hùng: Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, cán bộ công chức quản lý thị trường luôn chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của ngành, cơ quan đề ra; nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính theo các nội quy, quy chế của Tổng cục và Cục QLTT đã ban hành;
Thực hiện nghiêm cam kết đã ký gắn trách nhiệm của người đứng đầu tại các Phòng, Đội QLTT; Coi trọng công tác xây dựng lực lượng, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức; xây dựng Kê hoạch phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 65 năm thành lập lực lượng quản lý thị trường theo Kế hoạch của Tổng cục.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông.
Báo cáo của Cục QLTT Tỉnh Thái Bình về thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021
Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính
- Tổng số vụ thanh tra, kiểm tra: 1.663 vụ
- Tổng số vụ vi phạm đã xử lý: 699 vụ
- Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu: 2.047.516.000 đồng.
Trong đó công tác kiểm tra đạt kết quả như sau:
- Tổng số vụ kiểm tra: 1.658 vụ (giảm 1.195 vụ so với năm 2020)
- Tổng số vụ vi phạm đã xử lý: 696 vụ = 720 hành vi (giảm 202 vụ so với năm 2020); trong đó:
- Số vụ thuộc thẩm quyền xử phạt của QLTT: 694 vụ.
- Số vụ vượt thẩm quyền, Cục QLTT trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt: 02 vụ
- Tổng số tiền thu phạt: 1.992.516.000 đồng (Giảm 2.420.780.000 đồng so với năm 2020);
Trong đó:
- Số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 1.855.680.000 đồng
- Số tiền bán hàng tịch thu: 136.836.000 đồng (nộp tài khoản tạm giữ của Sở Tài Chính).
- Số tiền nộp ngân sách Trung ương: 1.734.550.000 đồng
- Số tiền nộp ngân sách địa phương: 121.130.000 đồng
- Trị giá hàng hóa vi phạm nói chung: 428.432.000 đồng
Số liệu về tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu
- Theo thẩm quyền của UBND các cấp: 74.371.000 đồng
- Theo thẩm quyền của QLTT: 246.288.000 đồng
- Trị giá tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu xử lý theo hình thức bán:136.836.000 đồng
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.