Thái Bình: Đặc sắc lễ hội Bà Chúa Muối của người dân miền biển

Địa phương
06:15 PM 15/05/2024

Lễ hội Bà Chúa Muối năm 2024 sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 19/5 - 21/5/2024 (tức ngày 12/4 - 14/4 năm Giáp Thìn) tại Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia Miếu Ba Thôn - Chùa Hưng Quốc (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đây là lễ hội gắn liền với người dân miền biển cùng với điệu múa ông Đùng bà Đà, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Làng Quang Lang (xã Thụy Hải) có một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng là Miếu Ba Thôn - Chùa Hưng Quốc, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Chùa Hưng Quốc là nơi thờ Phật Thích Ca, cũng tại nơi đây còn có Đền thờ Bà Chúa Muối - Đệ Tam Cung Phi của vua Trần Anh Tông.

Thái Bình: Đặc sắc lễ hội Bà Chúa Muối của người dân miền biển- Ảnh 1.

Đền Bà Chúa Muối, xã Thụy Hải - Ảnh tư liệu

Tương truyền, Bà Chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm Canh Thìn (1280) tại trang Quang Lang, huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình (nay là xã Thuỵ Hải, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình làm nghề muối. Thấy việc đồng áng vất vả, nàng thường ra đồng làm muối giúp bố mẹ nhưng mỗi lần nàng ra ruộng làm muối thì mây đen kéo lại phủ kín đến che rợp cả một vùng. Bố mẹ thương con đã đóng cho nàng một chiếc thuyền chở muối, đem những hạt muối mặn mà của quê hương giao lưu trao đổi hàng hóa với mọi miền của đất nước.

Trong một lần ghé vào bến Long Biên, nàng được vua say mê và  được tuyển vào cung rồi trở thành Đệ Tam Cung phi của vua Trần Anh Tông. 

Tam phi Nguyễn thị nhanh chóng mang thai. Tuy nhiên, không biết duyên cớ gì mà thai nhi đã trải qua 9 tháng 10 ngày mà vẫn không sinh nở được. Nhiều nguồn sử chép: “Hậu cung không ít chuyện thị phi, bà Tam phi chẳng may gặp tai ương, bị kẻ gian hãm hại”. Vua Trần Anh Tông quyết định đưa bà về quê ngoại, với hi vọng sẽ giúp bà khỏi bệnh.

Một chiều nọ, trẻ con trong làng lấy bồ cỏ làm người nộm chơi đùa, bà nhìn thấy cười lên và thoát trần (ngày 14/4 năm Mậu Tuất). Nhà vua hay tin vô cùng thương xót, sắc phong cho bà làm Phúc thần và để nhân dân lập đền thờ phụng mang tên Đền thờ Bà Chúa Muối, thuộc quần thể di tích chùa Hưng Quốc.

Thái Bình: Đặc sắc lễ hội Bà Chúa Muối của người dân miền biển- Ảnh 2.

Quang cảnh Đền thờ Bà Chúa Muối - Ảnh tư liệu

Hàng năm, cứ đến ngày 12 - 13/4 âm lịch, tại đền thờ Bà Chúa Muối sẽ tổ chức lễ hội nhằm ôn lại truyền thống ông cha ta, tôn vinh các bậc tiền nhân, giáo dục con cháu giữ gìn phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương. Đồng thời, cũng là dịp nhân dân tưởng nhớ công ơn Bà Chúa Muối, đón chào du khách về tham quan, tế, lễ, những người làm muối trên khắp cả nước về dâng hương tỏ lòng thành kính đối với Bà Chúa Muối. Đây là lễ hội đặc trưng của người dân Thái Thụy, mang nhiều phong cách dân gian, với những nét văn hóa riêng miền biển.

Thái Bình: Đặc sắc lễ hội Bà Chúa Muối của người dân miền biển- Ảnh 3.

Nghi thức trong lễ hội Bà Chúa Muối - Ảnh tư liệu

Chương trình lễ hội Bà Chúa Muối như sau: ngày 19/5/2024 (tức ngày 12/4 năm Giáp Thìn) sẽ tổ chức lễ khai mạc, tế nữ quan và nhân dân cúng lễ, khai mạc giải bóng đá, văn nghệ chào mừng lễ hội. Đến ngày 20/5/2024 (tức ngày 13/4 năm Giáp Thìn), nhân dân vẫn tổ chức cúng lễ, và giải thi đấu bóng đá. Ngày 21/5/2024 (tức ngày 14/4 năm Giáp Thìn), tổ chức dâng hương, lễ rước Bà Chúa Muối, lễ tế tạ của đội tế nữ quan, kết thúc là tổ chức rước Đùng và phá Đùng.

Thái Bình: Đặc sắc lễ hội Bà Chúa Muối của người dân miền biển- Ảnh 4.

Đông đảo nhân dân, du khách về tham dự lễ hội Bà Chúa Muối - Ảnh tư liệu

Đặc sắc nhất lễ hội Bà Chúa Muối là điệu múa ông Đùng bà Đà, mang đậm chất tâm linh huyền bí. Trong lễ hội, người dân sẽ làm những hình nộm ông Đùng bà Đà để diễn lại tích trò xưa trẻ con chơi đùa hầu Bà.

Điệu múa thể hiện ước vọng sinh sôi, nảy nở, mong nhiều hoa trái của dân làng. Đoàn người nhộn nhịp vừa đi rước, vừa xướng vang những câu ca chúc tụng công đức Bà Chúa Muối.

Thái Bình: Đặc sắc lễ hội Bà Chúa Muối của người dân miền biển- Ảnh 5.

Độc đáo điệu múa ông Đùng bà Đà trong lễ hội Bà Chúa Muối - Ảnh tư liệu

Sau khi đi hết một vòng quanh làng, các ông Đùng bà Đà quay trở lại cửa đền, để chuẩn bị cho nghi thức phá Đùng. Tại đây, dân làng sẽ lấy một nan tre trên thân hình nộm các ông Đùng bà Đà với quan niệm: ai lấy được một nan tre thì cả năm sẽ được nhiều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Lễ hội là dịp thể hiện lòng thành kính của nhân dân xã Thuỵ Hải đối với Bà Chúa Muối, qua đó, giáo dục cho các thế hệ sau bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và địa phương.

Thành Trung - Kim Dung
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.