Thái Bình: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt - Hàn 2022 chiều 16/12/2022 tại Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải khẳng định: Thái Bình là điểm đến mới hấp dẫn, tiềm năng và thành công của các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế hiện nay. Tỉnh luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư; đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư.
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của Thái Bình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, tỉnh đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh, Tổ công tác Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư từ Hàn Quốc (Korea Desk), Tổ công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc với các đoàn công tác, các công ty, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh; phối hợp, trao đổi thông tin, hợp tác phát triển với các ngành, địa phương lân cận; tổ chức Đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Cộng hòa Pháp và Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...; khai trương Văn phòng Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư vào tỉnh tại Hàn Quốc; tổ chức thành công hội nghị Kết nối Thái Bình - Hàn Quốc tại tỉnh.
Các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư được Thái Bình chỉ đạo tháo gỡ theo hướng thực chất, hiệu quả; kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án đầu tư không có tính khả thi hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; tích cực thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 03/11/2021. Tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; duy trì chương trình "Cà phê doanh nhân"; vận hành chính thức trang thông tin điện tử tỉnh Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo. Kiểm điểm, đánh giá kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI). Trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường 2022-2025...
Theo ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì định hướng thu hút đầu tư của Thái Bình là phải phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của địa phương. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, đóng góp cho nguồn thu ngân sách địa phương. Đồng thời, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án của các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có thương hiệu toàn cầu... đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh tại Khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp.
Để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư, tỉnh Thái Bình có các chính sách đặc biệt hỗ trợ ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình với mức tối đa theo quy định của Trung ương, bao gồm: ưu đãi về đơn giá thuê đất; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước,...) đến chân hàng rào; hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng từ 35.000 đồng - 80.000 đồng/m2; hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trung trong KCN, CCN (50% chi phí đầu tư); hỗ trợ đào tạo lao động (không quá 05 triệu đồng/người); hỗ trợ các TTHC về đầu tư nhanh gọn, một đầu mối tại Trung tâm phục vụ HHC tỉnh, thực hiện 24/7.
Ông Đỗ Văn Lân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh cho biết, mặc dù là đơn vị mới thành lập, quá trình triển khai thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trung tâm đã làm tốt công tác tham mưu về các lĩnh vực chuyên môn, nhiệm vụ được giao. Các chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài được tổ chức thành công và mang lại hiệu quả bước đầu.
Hoạt động tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp cũng được đảm bảo. Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế đồng bằng Bắc bộ và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn 2022 được tổ chức thành công, hoàn thành được nhiệm vụ Ban tổ chức đề ra, quy tụ và động viên, khuyến khích được các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng các hoạt động của Hội chợ.
Ông Đỗ Văn Lân chia sẻ cụ thể thêm: Về thủ tục đầu tư, đến hết tháng 11 Trung tâm đã hỗ trợ hướng dẫn tìm hiểu đầu tư tại tỉnh và các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư cho trên 60 doanh nghiệp trong đó tư vấn lập hồ sơ đầu tư cho hơn 35 nhà đầu tư (trong đó 19 hồ sơ chuyển từ Trung tâm xúc tiến và tư vấn đầu tư – Sở Kế hoạch Đầu tư sang); được UBND phê duyệt 16/35 hồ sơ, 2 hồ sơ được báo cáo thẩm định, hồ sơ còn lại đang trong quá trình thẩm định.
Về thủ tục đăng ký kinh doanh từ tháng 4 đến hết tháng 11/2022 đã hướng dẫn thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký doanh nghiệp cho trên 100 doanh nghiệp, trong đó tư vấn lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho hơn 50 doanh nghiệp, được phê duyệt 50/50 hồ sơ.
Theo số liệu của UBND tỉnh, hết tháng 11/2022, Thái Bình đã chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 98 dự án với tổng số vốn đăng ký 20.630,7 tỷ đồng (tăng 12,9% so với cùng kỳ), trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 198,5 triệu USD (dự kiến hết năm 2022 thu hút được trên 650 triệu USD vốn FDI và tổng số vốn đầu tư sẽ tăng khoảng 150%); ký bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế với tổng số vốn trên 800 triệu USD.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tốt; thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.062 doanh nghiệp với vốn đăng ký 9.716,3 tỷ đồng (tăng 37% về số lượng và tăng 27,8% về vốn đăng ký) và 413 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 33,2%; có 265 doanh nghiệp hoạt động trở lại... Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 55.895 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021.
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, những ngày chuẩn bị bước sang năm 2023, Thái Bình lại đón nhận tin vui: Tập đoàn Green i-Park và Tập đoàn Compal đã ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng (MOU) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử với tổng mức đầu tư 260 triệu USD. Đây là thành quả sau khoảng thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng môi trường đầu tư tại tỉnh Thái Bình và Khu công nghiệp Liên Hà Thái (do Tập đoàn Green i-Park là chủ đầu tư) của nhà đầu.
Tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng khẳng định Thái Bình sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng, thuận lợi, sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Dự báo bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước và trong tỉnh tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen ảnh hưởng lớn đến công tác thu hút đầu tư.
Để tạo động lực cho thu hút đầu tư, Thái Bình quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông kết nối. Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, uy tín... đầu tư vào tỉnh; quan tâm, theo sát các nhà đầu tư tiềm năng đã về làm việc với tỉnh.
Tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ thực chất các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư và các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường...
Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách theo Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 03/11/2021của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tập trung đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng... Tổ chức các cuộc đối thoại, hội nghị trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Phát huy hiệu quả trang thông tin Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo, hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện...
Đặc biệt, cải thiện thứ hạng PCI là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Thái Bình hướng đến trong thời gian tới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ đứng trong nhóm từ thứ 15 đến thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI bằng các giải pháp cụ thể như: Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức của cán bộ, đảng viên, CCVC, người lao động về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Rà soát, sửa đổi hoặc xây dựng mới các cơ chế chính sách phát triển KT-XH của tỉnh. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển KT-XH, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
Phan Lợi - Châu NguyênBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.