Thái Bình: Độc đáo lễ hội Đồng Xâm

Địa phương
05:00 PM 03/05/2024

Lễ hội Đồng Xâm năm nay sẽ được tổ chức với quy mô lớn, diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 7 - 10/5/2024 (tức ngày 29/3 - 3/4 năm Giáp Thìn) tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Nằm trên địa bàn xã Hồng Thái, đền Đồng Xâm là một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đây là nơi gắn liền với làng nghề chạm bạc "cổ nghệ tinh hoa" hàng trăm năm tuổi và lễ hội đua thuyền nổi tiếng. 

Đền thờ Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) cùng phu nhân Trình Thị, người làng Đồng Xâm, được làm Hoàng hậu của nhà Triệu nước Nam Việt và thờ tổ nghề làng chạm bạc truyền thống Nguyễn Kim Lâu.

Thái Bình: Độc đáo lễ hội Đồng Xâm- Ảnh 1.

Mặt tiền đền Đồng Xâm đắp nổi ba chữ “nhất thống thủy" - Ảnh: Kim Dung

Hàng năm, cứ vào dịp 1/4 âm lịch, xã Hồng Thái lại long trọng tổ chức lễ hội với nhiều nghi thức truyền thống độc đáo thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân về dâng hương cầu nguyện, tham quan, ngắm cảnh, chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm đặc trưng của làng nghề.

Lễ hội Đồng Xâm, được tổ chức theo nghi thức: mở đầu lễ hội là lễ rước kiệu Thánh Bà từ đền Bà về đền Cả vào chiều ngày 7/5 (tức ngày 29/3 âm lịch). Sau đó, chiều ngày 10/5 (tức ngày 3/4 âm lịch), nhân dân lại tổ chức lễ rước kiệu Thánh Bà từ đền Cả về đền Bà. 

Các hoạt động tế lễ, giao lưu văn nghệ, biểu diễn múa rối nước, Hầu đồng tại sân Rồng và nội cung được tổ chức từ ngày 8/5 - 10/5 (tức ngày 1/4 - 3/4 âm lịch). Cùng với đó, còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: hát ca trù, hát chèo,...

Thái Bình: Độc đáo lễ hội Đồng Xâm- Ảnh 2.
Thái Bình: Độc đáo lễ hội Đồng Xâm- Ảnh 3.

Những công trình kiến trúc tại đền Đồng Xâm - Ảnh: Thành Trung

Sôi nổi nhất trong lễ hội vẫn là tổ chức thi bơi trải truyền thống trên sông Vông. Qua cuộc thi đó, sẽ là dịp để người dân làng Đồng Xâm gần gũi nhau hơn, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương đồng thời gửi gắm ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, còn tổ chức Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP với quy mô 16 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Kiến Xương. Ngoài ra, còn có sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được trưng bày và bán làm đồ lưu niệm cho du khách tại Nhà trưng bày sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm.

Thái Bình: Độc đáo lễ hội Đồng Xâm- Ảnh 4.

Cuộc thi bơi trải truyền thống trên sông Vông trong lễ hội Đồng Xâm (Ảnh tư liệu)

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Niết - Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: "Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội Đồng Xâm năm 2024, cơ bản đã hoàn thiện. Việc kiểm tra, tu sửa cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho lễ hội, công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, tổ chức đón tiếp khách đến tham quan, chiêm ngưỡng các sản phẩm độc đáo của làng nghề tại Nhà trưng bày sản phẩm,… sẵn sàng chào đón du khách và nhân dân về tham dự lễ hội an toàn, vui vẻ, phấn khởi thể hiện lòng mến khách của người Hồng Thái nơi đây".

Thái Bình: Độc đáo lễ hội Đồng Xâm- Ảnh 5.

Đền Đồng Xâm nằm trên 1 gò đất nổi trên sông Vông - Ảnh: Thành Trung

Trung tâm của quần thể Di tích đền Đồng Xâm là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 1.000m2 xây dựng cùng nhiều công trình kiến trúc như vọng lâu, thủy toạ, hoành mã, sân tế (sân chầu), toà Tiền tế, phương đình (tức tòa Trung tế), toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu,...

Thủy tọa là một ngôi nhà hình lục lăng gồm sáu cửa vòm quay ra các hướng, từ đây có thể ngắm được toàn cảnh sân tế và các đường thuyền đua tấp nập trên sông khi có lễ hội.

Toà Tiền tế của ngôi đền là một tòa đại đình gồm 5 gian rộng, với quy mô đồ sộ có chiều cao tới 13m và kiểu dáng kiến trúc bề thế ít gặp ở các di tích khác.

Nối liền toà Tiền tế tới hậu cung là toà điện Trung tế được kiến trúc theo kiểu Phương đình. Mặt bằng ở khu vực này được các nghệ nhân xử lý cực kỳ hợp lý, từ ba gian của toà Tiền tế được rút lại một gian chính giữa làm nền của toà Phương đình.

Thái Bình: Độc đáo lễ hội Đồng Xâm- Ảnh 6.

Nét cổ kính uy nghiêm của ngôi đền Đồng Xâm - Ảnh: Thành Trung

Toà Hậu cung của đền được cấu trúc thành hai bộ phận liên hoàn là toà điện năm gian, nối với gian trung tâm là phần chuôi vồ được tôn cao mặt bằng để đặt khám gian. Phía hiên ngoài Hậu cung được bài trí hài hoà bằng những đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm. Hệ thống cánh cửa khay soi ở ba gian trung tâm của toà hậu cung được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá, chữ triện trên 12 ô cửa của Hậu cung.

Khám gian đặt tại Hậu cung là một tác phẩm độc đáo mang nét đặc thù của làng nghề chạm bạc, đồng, sắt. Khám gian được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng với các đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý... Trong khám thờ đặt tượng Triệu Vũ Đế và Hoàng hậu Trình Thị, cỡ tượng to tương đương người thật và đều được đúc bằng đồng khảm vàng, bạc, thiếp bạc,... Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Di tích đền Đồng Xâm đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân, tạo nên một lễ hội đặc sắc bậc nhất của vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng.

Trong quần thể Di tích lịch sử đền Đồng Xâm có câu đối nổi tiếng như sau:

Thánh thụy ứng long tu, sáng đế công thùy Hồng lạc địa

Thần uy lưu nguyệt phủ, hiển linh thanh động Á Âu thiên

Dịch nghĩa:

Điềm thành ứng râu rồng, lập công Đế khắp đất Hồng Lạc

Oai thần lưu búa nguyệt, linh hiển tiếng vang trời Á Âu

(Theo soạn giả Nguyễn Đức Tố Lưu - nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Thái Bình: Độc đáo lễ hội Đồng Xâm- Ảnh 7.

Quần thể Di tích đền Đồng Xâm nhìn từ trên cao - Ảnh: Kim Dung

Lễ hội Đồng Xâm sẽ là dịp để thể hiện lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn tri ân các bậc tiền nhân có công tạo dựng lên quần thể di tích đền Đồng Xâm, đồng thời là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử của quê hương để mỗi người dân hiểu sâu sắc về truyền thống văn hóa, mảnh đất và con người Hồng Thái.

Thành Trung - Kim Dung
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.