Thái Bình: Ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất từ đầu năm đến nay
Trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý đã xuất hiện một số ổ dịch có chùm ca bệnh và ca bệnh thứ phát ở thành phố Thái Bình...
Trước tình hình đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở y tế Thái Bình có Báo cáo số 76/BC-KSBT nhằm cập nhật tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Tính đến ngày 26/9/2024 toàn tỉnh Thái Bình ghi nhận 667 trường hợp mắc SXHD, với 450 ca bệnh nội sinh, không ghi nhận trường hợp tử vong, 07 huyện có 440 ca mắc, trong đó có 241 ca nội sinh. Địa bàn thành phố Thái Bình ghi nhận số ca mắc/ca nội sinh cao nhất với 227 trường hợp, trong đó có 209 trường hợp nội sinh. Qua theo dõi biểu đồ phân SXHD tại TP Thái Bình năm 2024 thì phường Tiền Phong ghi nhận số ca mắc cao nhất với 52 trường hợp mắc, trong đó có 50 TH nội sinh.
Trung tâm KSBT đã phối hợp với TTYT TP Thái Bình thực hiện điều tra véc tơ truyền bệnh tại các khu vực ổ dịch nguy cơ cao tại phường Tiền Phong, Bồ Xuyên, Kỳ Bá, xã Phú Xuân... Kết quả giám sát cho thấy chỉ số BI, chỉ số mật độ muỗi... đều ở mức cao.
Trước tình hình đó, Trung tâm KSBT đã phối hợp với TTYT thành phố Thái Bình thực hiện tham mưu, triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch và phòng chống SXHD của Trung ương, UBND tỉnh và Sở Y tế.
Thực hiện giám sát, xử lý triệt để tại các khu vực ổ dịch. Phối hợp với các địa phương tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ có chỉ số côn trùng cao. Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh để nắm bắt tình hình dịch bệnh. Điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch. Tuyên truyền và hướng dẫn người dân lật úp dụng cụ chứa nước, vệ sinh các khu vực tối tăm, ẩm thấp, vì môi trường nước đọng là điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển. Ngoài ra cần phun thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi, sử dụng các thiết bị đuổi, bắt muỗi, lắp đặt lưới chắn muỗi cửa sổ và dùng màn khi ngủ.
Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng và bọ gậy. Trung tâm KSBT đề nghị các cơ sở y tế duy trì hoạt động thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ, thông tin liên lạc giữa các tuyến, kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin tình hình dịch bệnh. Tránh tình trạng chủ quan với diễn biến của dịch bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền bởi muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng tạo môi trường cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue.
Triệu chứng của bệnh như đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do đó các gia đình cần nắm vững nguyên nhân, triệu chứng sốt xuất huyết để kịp thời đưa người bệnh nghi có triệu chứng sốt xuất huyết đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán, tránh bệnh diễn tiến nặng. Đồng thời cần thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Thành Trung - Đức ThạnhTheo đề xuất mới, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).