Thái Bình: Gìn giữ nét đẹp làng nghề truyền thống

Địa phương
12:28 PM 26/09/2023

Với sự tỉ mỉ, khéo léo và lòng yêu nghề của một “nghệ nhân” lâu năm, ông Nguyễn Tiến Khang ở tỉnh Thái Bình vẫn lặng lẽ gìn giữ nghề làm đầu lân, sư tử Trung thu truyền thống, lưu giữ nét đẹp mùa trăng tròn.

Thêm một mùa Trung thu nữa lại về, trẻ con ở khắp các làng trên xóm dưới, cả thành thị và nông thôn lại háo hức được bố mẹ chở đi mua đầu lân, xem múa lân. Trong tiếng trống xập xình, trong sắc màu rực rỡ của những màn múa lân khắp mọi ngả đường là tiếng cười ròn rã của trẻ thơ.

Và để có được những chiếc đầu lân - sư uy nghiêm, oai vũ giương cao dũng mãnh trong đêm Trung Thu phải kể đến sự miệt mài không mệt mỏi của các nghệ nhân làm đầu lân - sư đã bao đời “giữ lửa” cho một nghề truyền thống đặc sắc.

Chúng tôi tìm về thôn Nam Bi, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để gặp ông Nguyễn Tiến Khang, người vẫn miệt mài, cần mẫn giữ gìn nghề làm đầu lân, sư tử truyền thống.

Thái Bình: Gìn giữ nét đẹp văn hoá, truyền thống từ nghề làm đầu lân, đầu sư tử - Ảnh 1.

Đầu lân được gia đình ông Khang sản xuất - Ảnh: Kim Dung

Ông Khang cho biết: "Đây là nghề truyền thống đã gắn bó với gia đình ông hơn 20 năm. Thời điểm những năm 2000, đồ chơi như: đèn lồng, mặt nạ, súng nước,… tràn ngập trên thị trường. Nhưng không có nhiều nơi bán đầu lân, đầu sư tử vào dịp Tết Trung thu. Vì thế, gia đình ông không dám làm nhiều, sợ không bán được. Nhưng thật bất ngờ, khi mang sản phẩm ra chợ bày bán lại được người tiêu dùng đón nhận và giúp ông có thêm động lực, niềm tin phát triển nghề đặc trưng này. Hơn nữa, những chiếc đầu lân do gia đình ông làm ra hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, không có chất độc hại, an toàn nên rất được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng".

Thái Bình: Gìn giữ nét đẹp văn hoá, truyền thống từ nghề làm đầu lân, đầu sư tử - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Khang chia sẻ về nghề làm đầu lân sư tử. Ảnh: Thành Trung

Với đam mê làm đầu lân, ông dành hết tâm huyết cho từng sản phẩm của mình. Theo ông Khang, lân là một trong những con vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc và múa lân là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu của dân tộc. Chính vì thế, nghề làm lân không chỉ yêu cầu tỉ mỉ, khéo léo mà còn rất cần cái tâm, đặc biệt phải có năng khiếu hội họa cùng khả năng sáng tạo.

Những sản phẩm đã được hoàn thiện - Ảnh: Kim Dung

Để làm ra những chiếc đầu lân, vật liệu cần thiết gồm: khung bằng mây, tre, giấy báo, hồ dán. Hồ dán được làm từ bột củ rong nấu chín. Giấy báo được đắp, bồi nhiều lớp. Ở ngoài cùng sẽ dùng loại giấy bản trắng để tiện cho việc vẽ tạo hình. Hoàn thiện một chiếc đầu lân phải mất 3 ngày, với 6 công đoạn: dán giấy vào khuôn xi măng đúc sẵn; phơi khô; dán giấy thiếc, vải kim sa, sơn, vải nhung, sơn dạ quang; trang trí hoa văn, dán lông vũ và viền màu sắc để tạo điểm nhấn cho con lân. Công đoạn cuối cùng là trang trí nội thất, đèn led giúp con lân bắt mắt hơn. 

Sản phẩm thô đang trong quá trình hoàn thiện - Ảnh: Thành Trung

Ngay từ những ngày đầu tháng 8 dương lịch, gia đình ông Khang đã bận rộn, tất bật làm đầu lân để chuẩn bị cho dịp Tết Trung thu sắp tới. Ngoài những đại lý quen thuộc đến lấy hàng, còn có người dân trong làng, ngoài làng đến tận nhà đặt đầu lân phục vụ cho thôn xóm hay chỉ đơn giản là mua về để tặng cho con cháu của mình.

Mỗi dịp Trung thu đến, gia đình ông Khang bán khoảng 2.000 đầu lân với giá 80.000 - 1.000.000 đồng/chiếc. Lượng đầu lân đó vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bởi đầu lân được tiêu thụ rất nhanh. Sản phẩm của gia đình ông chủ yếu có 3 loại đầu lân: đầu lân cỡ nhỏ; đầu lân cỡ trung; đầu lân cỡ lớn.

Để có được sản phẩm hoàn thiện và đủ đầu lân phục vụ thị trường, gia đình ông phải bắt tay vào sản xuất từ tháng 9 năm trước đến đầu tháng 8 dương lịch năm sau mới kịp bàn giao cho khách hàng. 

Quá trình sản xuất đầu lân

Ông Khang chia sẻ thêm: "Bản thân ông năm nay đã ngoài 70, ông làm nghề lân mỗi ngày không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đảm bảo tài chính cho gia đình, mà còn đem lại niềm vui cho tuổi già. Vào dịp Trung thu hàng năm, gia đình ông thường ủng hộ đầu lân cho thôn xã, góp phần cho Tết Trung thu thêm náo nhiệt và ý nghĩa".

Bà Phan Thị Nhẹn, người dân sống ở gần nhà ông Khang cho biết: "Năm nào, tôi cũng đến nhà ông Khang mua vài chiếc đầu lân về cho con cháu của mình vui chơi Trung thu. Những chiếc đầu lân ở đây, từ mẫu mã cho đến thiết kế đều vô cùng đẹp mắt, chất liệu hoàn toàn tự nhiên đảm bảo an toàn cho trẻ con nên tôi rất yên tâm và các cháu nhỏ yêu thích".

Thái Bình: Gìn giữ nét đẹp văn hoá, truyền thống từ nghề làm đầu lân, đầu sư tử - Ảnh 7.

Ông Khang bên sản phẩm của mình. Ảnh: gia đình cung cấp

Với niềm đam mê và mong muốn lưu giữ giá trị cổ truyền cho con trẻ, vợ chồng ông Khang vẫn miệt mài cần mẫn mỗi ngày. Điều đó đã giúp ông tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh với thị trường. Những chiếc đầu lân, đầu sư tử do ông sản xuất luôn toát lên vẻ uy nghi, thể hiện được "hồn vía" của linh vật. 

Nghề làm đầu lân, sư tử truyền thống đã giúp ông Khang bảo tồn và lưu giữ được những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc. Là một người con của quê hương Thái Bình, ông luôn tự hào mình đã góp phần mang đến niềm vui, tiếng cười cho mọi người đặc biệt là các em trẻ nhỏ mỗi dịp Tết Trung thu về. 

Thành Trung - Kim Dung
Ý kiến của bạn