Thái Bình: Hội nghị Kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp
Ngày 21/9, tại Thái Bình đã diễn ra Hội nghị Kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu năm 2022.
Về dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; cùng đại diện lãnh đạo bộ, ban ngành Trung ương, tỉnh Thái Bình, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam,... Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Lào Khăm-Pheng Xay-Xổm-Pheng.
Thái Bình là tỉnh có vị trí khá thuận lợi, cách Hà Nội 110km, cách Hải Phòng 70 km, với bờ biển dài 52 km, hệ thống giao thông thủy bộ kết nối vùng và khu vực tương đối đồng bộ. Đặc biệt tuyến đường ven biển đi qua tỉnh Thái Bình dài 43km dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023 sẽ thúc đẩy kết nối từ Thái Bình với các tỉnh trong hành lang kinh tế Duyên hải miền Bắc.
Thái Bình có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Các sản phẩm tiêu biểu được cả nước biết đến như: Nước mắm Diêm Điền, mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy, kẹo lạc, bánh đa, dệt khăn tay bông, thảm cói, chạm bạc, thêu ren... Một số sản phẩm công nghiệp có lợi thế như sứ vệ sinh, thủy tinh pha lê...
Đến nay, Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao; có 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các sản phẩm của Thái Bình hiện nay có mặt không chỉ ở các chợ truyền thống mà còn xuất hiện tại các trung tâm thương mại, siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, Wincommerce, Winmart+..., được giao dịch qua một số sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso,...
Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cũng như đưa sản phẩm tới các thị trường hàng đầu thế giới, Thái Bình triển khai sản xuất nông nghiệp hàng hóa sạch, hữu cơ, với đa dạng các loại sản phẩm như gạo, khoai tây, tỏi, ớt, ngao, tôm... và một số sản phẩm công nghiệp từ nông nghiệp như bún phở tươi, các sản phẩm nông nghiệp được phát triển theo 3 trụ cột gồm: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương, các sản phẩm khác.
Những năm qua nhờ những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội, từ một tỉnh thuần nông, Thái Bình đang dần trở thành tỉnh phát triển khá về mọi mặt, trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Trong 8 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Bình tăng 14,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,6%, kim ngạch nhập khẩu tăng 30,4%. Toàn tỉnh có 8.449 doanh nghiệp và 2249 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Đặc biệt Khu Kinh tế Thái Bình đang được tập trung triển khai xây dựng đồng bộ về hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp Tiền Hải… tạo sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Bình, ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết: Năm 2022, lúa vụ Xuân đạt trên 535 nghìn tấn, năng suất đạt 70,8 tạ/ha; diện tích lúa mùa đã gieo cấy toàn tỉnh đạt 76.628ha, vượt 0,16% diện tích theo Đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông của tỉnh; tổng diện tích cây màu hè thu đã trồng đạt 8.990 ha, vượt 38% kế hoạch. Toàn tỉnh có 2.390 trang trại chăn nuôi và khoảng 250.000 nông hộ chăn nuôi, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.665,1 ha.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thái Bình trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của địa phương ở cả thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối và các sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh đã được phân phối rộng rãi...
Dự báo tình hình quốc tế thời gian tới tiếp tục khó khăn với nhiều diễn biến phức tạp...Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng bối cảnh đó đòi hỏi tỉnh Thái Bình nói riêng, các địa phương, Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương nói chung phải nỗ lực, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, xây dựng chính sách và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế theo hướng gắn với xúc tiến đầu tư, xúc tiến xuất khẩu gắn với xúc tiến nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của các địa phương; nâng cao hiệu quả hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng các công cụ và giải pháp phù hợp với từng đối tượng, từng thị trường để tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Để triển khai có hiệu quả các định hướng trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Thái Bình nói riêng, các địa phương nói chung nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thiết lập, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo ngành hàng, đa dạng các kênh phân phối (cả truyền thống và hiện đại) nhằm chủ động hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhất là các nước quan trọng như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đề nghị tỉnh Thái Bình phải thiết lập hệ thống phân phối các sản phẩm tiêu biểu theo hướng gắn chặt với các "đại sứ" là những hiệp hội, người con của Thái Bình đang công tác trên mọi miền tổ quốc, thế giới. Đồng thời, Thái Bình cũng cần phải xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, có giá trị cạnh tranh cao để "đưa sản vật Thái Bình đến muôn nơi".
Trong khuôn khổ hội nghị này, tỉnh Thái Bình cũng tổ chức Lễ khởi động chương trình Đưa hàng nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh vào hệ thống phân phối và Lễ ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc biên bản ghi nhớ giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối; Ký kết thỏa thuận đưa các sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp tiêu biểu của tỉnh lên sàn thương mại điện tử với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình và các doanh nghiệp...
Hội nghị được tổ chức ngoài việc tạo kết nối trực tiếp tiêu thụ sản phẩm, hội nghị còn giúp cung cấp cho các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước thấy rõ hướng phát triển của tỉnh và tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm chủ lực của tỉnh tạo ra cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Châu NguyênTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.