Thái Bình: Hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân "Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp"

Địa phương
05:46 PM 01/10/2024

Ngày 30/9 vừa qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề "Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp".

Thái Bình: Hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân "Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp"- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo.

Dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, thành viên Ủy ban UNESCO thế giới; ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam. Đại diện dòng họ Lê toàn quốc, cùng một số học giả, nhà khoa học quốc tế đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Áo, Pháp.

Thái Bình: Hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân "Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp"- Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo khoa học quốc tế "Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp" là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (1726 - 2026), góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh ông là Danh nhân Văn hóa Thế giới. 

Các tham luận khoa học trong nước và quốc tế đã làm sáng rõ thêm vai trò, những đóng góp to lớn vào kho tàng văn hóa dân tộc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn. Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là Danh nhân văn hóa thế giới không chỉ là sự tôn vinh những đóng góp của cá nhân ông mà còn khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Thái Bình: Hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân "Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp"- Ảnh 3.

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Cũng tại hội thảo lần này, ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Thái Bình là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Trải qua gần 1.000 năm khoa cử dưới thời phong kiến, Thái Bình có hơn 120 trí thức Nho học thi đỗ đại khoa, với các học vị từ Phó bảng đến Trạng nguyên, trong đó có Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn - được coi là biểu tượng sáng ngời về tinh thần và trí tuệ Việt Nam.

Thái Bình: Hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân "Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp"- Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, trong lịch sử 300 năm qua, tài năng, tầm vóc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được khẳng định và nhận sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài, đồng thời cho thấy sự cần thiết giới thiệu rộng rãi hơn nữa di sản Lê Quý Đôn đến với thế giới.

Thái Bình: Hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân "Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp"- Ảnh 5.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng các đơn vị tổ chức hội thảo.

Hội thảo lần này còn là dịp để Đảng bộ, nhân dân Thái Bình nói riêng và những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung có thêm cơ hội tiếp cận thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn một cách toàn diện. Từ đó có trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà ông để lại, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học cho các thế hệ mai sau.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) tên thật là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từng được vinh danh là nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến. Là một trong những danh nhân kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam.

Di sản mà ông để lại đến ngày nay với hơn 50 bộ sách đều đi sâu vào hầu hết mọi lĩnh vực: lịch sử, thơ ca, văn học, triết học, nông học, địa lý, thiên văn, văn hóa dân gian... Giá trị di sản của Lê Quý Đôn không chỉ ở những tri thức uyên thâm được thể hiện ở trong các tác phẩm mà còn ở những tư tưởng tiến bộ, nhân văn của tác giả thấm đẫm trong từng trang sách. Tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc đã bao trùm trong tất cả các sáng tác của Lê Quý Đôn. Ông đã để lại khối lượng công trình đồ sộ với những tác phẩm có giá trị và được học giả trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Thành Trung - Đức Thạnh
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.