Thái Bình: Huyện Tiền Hải phát triển kinh tế mở rộng không gian hướng ra biển
Là một huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, những năm gần đây, kinh tế của huyện Tiền Hải chuyển mình mạnh mẽ khẳng định vai trò, vị thế trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Tiền Hải đã quan tâm, có bước đi thích hợp và những cách làm mới trong quy hoạch phát triển kinh tế
Hành trình 195 năm quai đê lấn biển
Nói tới Tiền Hải, là nói tới vùng đất cửa biển với lịch sử 195 hình thành và phát triển. Dấu tích những ngày đầu quai đê lấn biển, khai ấp lập làng được người dân Tiền Hải ngày nay gửi gắm tại khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn xưa, thị trấn Tiền Hải ngày nay.
Vượt lên bao thách thức của vùng đất ven biển, Tiền Hải luôn đi đầu trong công cuộc khai hoang lấn biển cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay. Với 23 km chiều dài bờ biển, vị trí thuận lợi có quốc lộ 37B và 5 tuyến đường tỉnh dài 49,3 km chạy qua địa bàn, cùng với đó tuyến đường bộ ven biển đang được thi công và có khu khí mỏ từ xưa là cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam nên kinh tế Tiền Hải rất đa dạng, phát triển cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khai thác kinh tế biển.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một huyện ven biển đồng chua, nước mặn năng suất cây trồng, vật nuôi rất thấp, những chủ trương, giải pháp đúng và sự năng động của người dân huyện Tiền Hải đã biến khó khăn thành thế mạnh chuyển đổi sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao. Huyện cũng tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện tại huyện có 12 sản phẩm Ocop, năm 2023 đang xây dựng tiếp 22 sản phẩm Ocop từ 2-5 sao, phấn đấu đến hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm tham gia chương trình Ocop đạt từ 3-4 sao trở lên. Về phong trào cũng như kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay chính là hiện hữu cho phát huy nội lực sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân.
Để phục vụ cho những dự án lớn, những công trình hạ tầng tạo động lực phát triển kinh tế, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất mở đường, phá dỡ tường bao, công trình nhà ở.
Từ những miền quê sát biển, khó khăn, bị đe dọa bởi thiên tai, sóng cả, xa trung tâm, thậm chí quanh năm người dân chỉ biết làm bạn với muối mặn, nhưng nay đã khác xưa nhiều. Cũng vẫn những người nông dân đó, vẫn những mảnh ruộng xưa họ cấy cày, vẫn những đầm tôm, bãi ngao nơi đầu chân sóng, nhưng nay, đã đem lại giá trị hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỉ đồng. Toàn huyện đã được công nhận huyện Nông thôn mới (NTM) năm 2019, đến 2023 có 2 xã đã được công nhận NTM nâng cao, 3 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao đang chờ tỉnh phê duyệt công nhận. Mục tiêu đến năm 2025 có 50% số xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm nay ước đạt trên 63,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,02%.
Phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm
Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đầu tư xây dựng hệ thống, kết cấu hạ tầng khu vực ven biển đồng bộ, hiệu quả là khâu đột phá chiến lược và xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển.
Từ cái nôi cách mạng, trên con đường đổi mới và hội nhập, những khu cụm công nghiệp lần lượt mọc lên giữa biển lúa vàng ở Tiền Hải. Những bãi ngao, đầm tôm cận kề chân sóng ngày càng phát triển thêm. Tiền Hải ngày nay luôn tự hào là miền quê đáng sống với thế mạnh cả kinh tế biển và kinh tế công nghiệp. Với lợi thế hạ tầng giao thông đồng bộ được đầu tư trọng tâm trọng điểm, như tuyến đường huyết mạch kết nối vùng 221A, tuyến đường bộ ven biển Thái Bình - Hải Phòng, những cây cầu rút ngắn không gian và thời gian đang dần hình thành; cầu Trà Lý 2, cầu vượt sông Hồng Thái Bình - Nam Định đã tạo cho Tiền Hải một lực hấp dẫn mới các nhà đầu tư lớn.
Đặc biệt, sự kiện năm 2017, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt thành lập khu kinh tế Thái Bình thì Tiền Hải có tới 15 xã trong dự án với diện tích 12.214 ha. Các KCN đồng bộ kiểu mẫu như KCN Tiền Hải, KCN Viglacera, KCN Hải Long… đã xây lên những nền tảng và cơ hội rộng mở đón chờ các doanh nghiệp. Đó chính là các nhà đầu tư thứ cấp có nguồn vốn đầu tư tính bằng hàng tỉ USD. Khu kinh tế Thái Bình được kỳ vọng sẽ đem đến cho huyện Tiền Hải một bước đột phá mới trong tương lai.
Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện có 14/16 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đạt tiến độ đề ra. Tổng giá trị sản xuất bình quân 3 năm ước đạt trên 22.000 tỉ đồng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 11%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt trên 14.800 tỉ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt trên 13%, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm trên 76% trong cơ cấu kinh tế.
Tiền Hải ngày nay được kỳ vọng là điểm sáng tạo, là cú hích kinh tế của tỉnh Thái Bình trong giai đoạn tới, xác định sứ mệnh và trọng trách trên vai. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ XXVIII, trên cơ sở dựa vào tiềm năng, lợi thế địa bàn, Tiền Hải đã triển khai các nhiệm vụ, tập trung trên tất cả các lĩnh vực, phát triển đô thị lên 30%, là huyện có kinh tế tăng trưởng mạnh; là điểm đến thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thành TrungMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.