Thái Bình: Huyện Tiền Hải vững bước vào năm 2024
Năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ, cũng là năm Tiền Hải kỷ niệm 195 năm hình thành và phát triển huyện. Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ngày nay đang đổi mới, hội nhập và phát triển. Nhân dịp bước sang năm 2024, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Ngọc Kế, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải về vấn đề phát triển KT-XH của huyện Tiền Hải.
PV: Năm 2023, trong tỉnh nói chung, huyện Tiền Hải nói riêng đều gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của huyện Tiền Hải năm 2023?
Đồng chí Phạm Ngọc Kế: Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội huyện Tiền Hải cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể là: Tổng giá trị sản xuất (Giá so sánh năm 2010) ước đạt 23.693,9 tỷ đồng, tăng 4,89% so với năm 2022. Trong đó: Nông - Lâm - Thủy sản ước đạt 5.419,6 tỷ đồng, tăng 2,62%; Công nghiệp - Xây dựng ước đạt 15.116,3 tỷ đồng, tăng 5,35%; Dịch vụ - Thương mại ước đạt 3.158 tỷ đồng, tăng 6,8%.
Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành): Ngành Nông, lâm, thủy sản đạt 28,6%; ngành Công nghiệp - Xây dựng 57,3%; ngành Dịch vụ - Thương mại 14,1%. Có thêm 3 xã đã được thẩm định đủ điều kiện công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (Kế hoạch 2 xã trở lên đạt Nông thôn mới nâng cao). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 63,5 triệu đồng/người/năm, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 7,73%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT ước đạt 92,5%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 81,4% - không tăng so với năm học 2022-2023. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 93%. Hoàn thành chỉ tiêu tuyển, chọn, gọi công dân nhập ngũ; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Chỉ số cạnh tranh DDCI xếp thứ 7/8 huyện, thành phố của tỉnh.
PV: Trong phát triển kinh tế, lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đặc biệt là giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất cho nhà đầu tư là hết sức quan trọng. Xin đồng chí cho biết năm 2023, Tiền Hải đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Phạm Ngọc Kế: Năm qua, Tiền Hải đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện và công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng. Thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện trong năm 2023; Ban hành Quy chế phối hợp giữa phòng Tài nguyên và Môi trường với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND cấp xã trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai trên địa bàn huyện và Quy chế phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn huyện; Ban hành Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 02/5/2023 về việc thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo và Quyết định số 02/BCĐ ngày 02/5/2023 về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đầm vùng, bãi triều trên địa bàn huyện để thực hiện quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình...
Thực hiện tốt công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tính đến ngày 01/12/2023 toàn huyện đã cấp 6.750 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 191,33ha7. Tích cực chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất các khu dân cư tạo nguồn thu cho huyện. Trong năm đã phê duyệt 12 Quyết định trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất vào làm nhà ở, gồm 132 lô đất, diện tích 14.590,7m²; tổng số tiền trúng đấu giá là 150 tỷ đồng. UBND huyện đã thành lập Hội đồng thẩm định giá đất huyện theo quyết định ủy quyền của UBND tỉnh.
Tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức sơ kết 2 năm Chỉ thị số 08, Chỉ thị 09-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. Trong năm 2023, đã phê duyệt 72 phương án GPMB thu hồi 133,98 ha, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 177 tỷ đồng. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện như: Dự án sân golf Cồn Vành; Khu công nghiệp Hải Long, Khu công nghiệp Tiền Hải.
Về công tác bảo vệ môi trường được huyện tăng cường. Tổ chức điểm của tỉnh Lễ khai mạc Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2023. Thực hiện cấp 5 Giấy phép môi trường cho các dự án theo quy định và xác định rõ các nội dung, quy trình các bước cần thực hiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung.
PV: Năm 2024 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Vậy huyện Tiền Hải đặt mục tiêu phấn đấu như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Ngọc Kế: Về mục tiêu tổng quát, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội theo 05 giải pháp trọng tâm, 03 đột phá phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra. Trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư vào Khu kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
PV: Trong bối cảnh khó khăn của năm 2024, xin đồng chí cho biết thêm về công tác thu chi ngân sách của huyện?
Đồng chí Phạm Ngọc Kế: Tiền Hải sẽ tập trung thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách. Rà soát các dự địa thu. Thực hiện giám sát chặt chẽ việc kê khai nghĩa vụ thực hiện các khoản thuế, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 ở cả 2 cấp.
Cùng với đó, huyện đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất đã đủ điều kiện để tăng thu tiền sử dụng đất, tạo nguồn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư các công trình trọng điểm của huyện. Điều hành tài chính - ngân sách linh hoạt theo chỉ đạo của tỉnh. Tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ dự toán chi, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên cơ sở tiến độ thu tiền sử dụng đất, thực hiện điều chỉnh vốn từ những dự án chậm tiến độ cho những dự án đã quyết toán và dự án có tiến độ triển khai nhanh; nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý đầu tư, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Các xã, thị trấn chủ động dành nguồn kinh phí từ ngân sách cấp mình và sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để tập trung cho các nhiệm vụ chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.
PV: Xin đồng chí cho biết kế hoạch về công tác quốc phòng - an ninh của huyện trong năm 2024?
Đồng chí Phạm Ngọc Kế: Năm 2024, huyện Tiền Hải tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Nâng cao chất lượng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Chỉ đạo công an huyện và các xã có các biện pháp phân hóa, ngăn chặn, xử lý các đối tượng cố tình lôi kéo, tập trung đông người đi khiếu kiện dai dẳng, kéo dài. Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân; huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh biên giới vùng biển, công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; làm tốt công tác phúc tra, rà soát, nắm nguồn; Quán triệt triển khai tốt các bước, các khâu để chuẩn bị tốt công tác tuyển, chọn gọi công dân nhập ngũ năm 2024; Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trong tình hình mới, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Luật 14, tập trung cao trong dịp Tết 2024.
Duy trì nền nếp và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ giải quyết đơn thư cho cán bộ cơ sở. Chủ động, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn; phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng quy định pháp luật; bảo đảm giữ vững ổn định tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp. Tăng cường thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách... xử lý nghiêm các sai phạm xảy ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Châu NguyênTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.