Thái Bình: Khai mạc Lễ hội đền Trần năm 2024
Ngày 22/2/2024 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn), UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) tổ chức khai mạc lễ hội đền Trần.
Hàng năm, vào ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng âm lịch tại xã Tiến Đức (huyện Hưng hà, tỉnh Thái Bình) diễn ra lễ hội đề Trần. Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với nhiều nghi lễ đặc trưng như: lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước thiêng từ ngã 3 sông Hồng về đền Trần, lễ tế mộ, đặc biệt có lễ bái yết được tổ chức nhằm khôi phục lại nghi lễ xa xưa các vua Trần thường làm lễ bái yết tổ tiên mỗi khi có sự kiện trọng đại…
Bên cạnh đó, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với những trò chơi mang đậm tính dân gian như: thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật cầu, kéo co, pháo đất, cờ tướng…
Sắc thái văn hoá được hội tụ trên mảnh đất Thái Bình được biểu hiện qua tín ngưỡng dân gian, những lễ hội truyền thống của các làng quê trong tỉnh với nhiều nội dung phong phú phản ánh truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh các vị thần linh, các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, quê hương.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần tồn tại trong lịch sử Việt Nam với 14 đời vua, kéo dài và toả sáng 175 năm. Đây là triều đại phát triển rực rỡ nhất trong tiến trình lịch sử phong kiến Việt Nam, với 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh, làm nên hào khí Đông A mãi mãi còn in sâu trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đền Trần Thái Bình toạ lạc trên diện tích 5175 m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.
Khu đền thờ, lăng mộ vua Trần người xưa gọi là Thái Đường Lăng, được coi là nơi phát tích, nơi sinh tồn phát triển và dựng nghiệp của triều đại nhà Trần. Cách đây hơn 700 năm, tại đây, các vị vua khai nghiệp nhà Trần sinh ra và khởi nghiệp. Trong khoảng thời gian 175 năm tồn tại, triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên những chiến công hiển hách, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông hung hãn bậc nhất thời đó.
Mấy thập niên qua, kể từ khi di tích đền Trần được tôn tạo thì lễ hội luôn được duy trì. Hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng âm lịch, với nhiều nội dung phong phú và có nhiều nét khác biệt so với địa phương khác, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Lễ hội nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần, là dịp để nhân dân thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", lòng tri ân với các bậc liệt tổ, các vị vua, tướng sĩ, hoàng thân quốc thích nhà Trần. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Lễ hội cũng là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách, đồng thời việc tổ chức lễ hội đền Trần đã tạo điều kiện thuận lợi để Thái Bình có thể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội đền Trần và các di sản thời Trần trên mảnh đất Hưng Hà.
Không chỉ được biết đến là một vương triều với võ công oanh liệt, giỏi đánh giặc, nhà Trần còn để lại cho hậu thế những nét sinh hoạt văn hóa rất riêng biệt, đặc sắc, đó là lễ giao chạ (kết nghĩa chị em) giữa 2 làng Vân Đài (xã Chí Hòa) và làng Tam Đường (xã Tiến Đức) đã tồn tại hơn 7 thế kỷ, lễ rước nước và thi cỗ cá độc đáo thể hiện đậm nét phương thức sống của cư dân vùng sông nước và mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục, nhắc nhở thế hệ sau tưởng nhớ tới thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Đây thực sự là những nét sinh hoạt mang giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử không dễ tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước.
Song song với các hoạt động lễ hội, công tác quản lý cũng được quan tâm và từng bước đi vào nề nếp. Công tác tuyên truyền được chú trọng, nhấn mạnh đến giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội nhằm phát huy tinh thần thượng võ của nhà Trần cùng công lao to lớn của triều đại nhà Trần đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong lịch sử.
Thực hiện việc tổ chức lễ hội với phương châm tiết kiệm, an toàn, mang màu sắc văn hóa, không để xảy ra các hoạt động mang tính chất thương mại hóa; không tổ chức phát ấn nhằm tránh sự lộn xộn, phản văn hóa và những hiểu biết sai lệch của nhân dân về ý nghĩa của nghi thức khai ấn truyền thống của nhà Trần; chuẩn bị tốt các phương án về an ninh trật tự, an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho du khách.
Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lễ hội đền Trần đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL ngày 27/1/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đối với lễ hội đền Trần Thái Bình trong nhiều năm qua và cũng là niềm tự hào, nguồn động viên, cổ vũ nhân dân Thái Bình tiếp tục lưu giữ và trao truyền hào khí Đông A, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.
Thành Trung - Kim DungLượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.