Thái Bình: Khai mạc Lễ hội Vạn Xuân ở xã Xuân Hoà năm 2024
Sáng ngày 19/3/2024 (tức ngày 10/2 âm lịch), tại khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Miếu Hai thôn (xã Xuân Hoà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), tổ chức khai mạc Lễ hội Vạn Xuân năm 2024.
Với lịch sử hơn 300 năm tồn tại, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, Miếu Hai thôn đã có những đóng góp nhất định trong việc nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật ngôi miếu thờ của người Việt khu vực Thái Bình nói riêng, miếu thờ ở vùng châu thổ Bắc Bộ nói chung.
Đây không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ sau, miếu Hai Thôn còn là chứng tích thể hiện sự ngưỡng vọng của nhân dân về một tình yêu sâu sắc, chân thành tồn tại qua nhiều thế kỷ của vua Lý Nam Ðế và hoàng hậu Ðỗ Thị Khương.
Hàng năm, tại nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội theo phong tục và truyền thống địa phương, nhằm tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn) đã từng dừng chân trên mảnh đất này lập đồn lũy, chiêu mộ binh sĩ và phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân xâm lược, dựng nước Vạn Xuân năm 544.
Lễ hội Vạn Xuân được duy trì đều đặn hàng năm, tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 19/3 - 21/3/2024 (tức ngày 10/2 - 12/2 âm lịch), nhằm chào đón du khách thập phương và nhân dân địa phương đến chiêm bái cảnh sắc, tham quan, tế, lễ. Đồng thời cũng là dịp để nhân dân và du khách hướng về cội nguồn, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và quan tâm bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa.
Về dự khai mạc Lễ hội Vạn Xuân năm nay có: Hoà thượng Thích Thanh Hoà - Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình, ông Lại Trường Sơn - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ - Chủ tịch HĐND huyện cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban, ngành đoàn thể huyện, các cơ quan, doanh nghiệp, lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương cùng sự xuất hiện đông đảo các cán bộ, nhân dân và du khách thập phương.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian như: lễ cáo thánh, lễ cầu an thả đèn hoa đăng, rước kiệu, luyện, tế lễ của đoàn đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Cùng với đó, các trò chơi dân gian truyền thống và một số môn thể thao như: vật, biểu diễn võ cổ truyền, kéo co, cờ tướng, đi cầu kiều, tổ tôm, hát chèo, chọi gà,… vẫn được duy trì như những năm trước.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Phạm Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: "Những năm qua, nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Thái Bình, Sở VHTT & DL, các sở ngành của tỉnh; Huyện ủy - UBND huyện Vũ Thư, đặc biệt là sự phát tâm công đức của các tổ chức cá nhân và du khách thập phương, con em xã quê và nhân dân địa phương phát tâm công đức tiền, vật chất để trùng tu, tôn tạo di tích ngày càng tôn nghiêm, đẹp hơn tương xứng với giá trị lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Thay mặt cho Ban tổ chức lễ hội Vạn Xuân, tôi xin trân trọng cảm ơn".
Đặc biệt trong những năm gần đây, lễ hội có thêm các hoạt động văn nghệ thể thao hiện đại do người dân tự tổ chức để làm sống lại không khí những ngày nghĩa quân luyện tập thuở xưa và để cầu mong cho dân làng mạnh khoẻ, mùa màng bội thu.
Lễ hội sẽ là nơi nhân dân tỏ lòng thành kính với những người có công, đây là dịp để nhân dân gặp gỡ, gắn bó, tăng tình đoàn kết xóm giềng và trên hết là nơi lưu giữ và giáo dục các truyền thống văn hóa quý báu, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Lễ hội Vạn Xuân sẽ là dịp để huyện Vũ Thư mời gọi du khách về dự lễ hội, hành lễ, dâng hương, tưởng vọng cội nguồn, chiêm ngưỡng các giá trị kiến trúc độc đáo và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao truyền thống đặc trưng của vùng quê văn minh lúa nước châu thổ sông Hồng, để được hoà mình giữa một khoảng không gian huyền thoại của mảnh đất và con người Vũ Thư nói riêng, Thái Bình nói chung.
Thành TrungCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.