Thái Bình: Khu vực nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị bỏ hoang do không có cát mặn để nuôi ngao
Cả một khu vực nuôi trồng thủy sản rộng lớn của người dân khu vực ven biển huyện Tiền Hải (Thái Bình) có nguy cơ bị bỏ hoang do không có cát mặn để nuôi ngao.
Theo phản ánh của người dân xã Nam Cường huyện Tiền Hải, từ tháng 6/2021 tới nay hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) không có cát để đảo bãi nuôi ngao phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế khiến họ lâm vào cảnh nợ nần, bỏ hoang đầm bãi.
Ghi nhận tại khu vực nuôi ngao gần 100ha thuộc địa bàn xã Nam Cường, một số ao vẫn đang bị bỏ hoang, rong rêu phủ kín, lán trại đều đóng cửa, vắng vẻ, ít thấy bà con trên đồng.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Hoan - một hộ dân nuôi ngao ở Nam Cường cho biết: "Kể từ thời điểm tháng 6/2021 người dân trong xã được thông báo không được khai thác cát ở biển về để NTTS nữa khiến hàng trăm hộ dân nuôi ngao giống như tôi hết sức lo lắng. Đây là nhu cầu cấp bách và cần thiết của chúng tôi để phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, nếu thiếu cát biển, chúng tôi không thể cải tạo các ao, đầm để nuôi ngao", ông Hoan ngậm ngùi chia sẻ.
Ông Trương Thái Cường - thôn Chí Cường cho biết thêm: "Với mỗi ha đầm nuôi ngao, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, một năm chúng tôi có tổng thu nhập khoảng trên 900 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí dư khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, gần 1 năm qua, người dân không có nguồn cát để phục vụ sản xuất, mặc dù nhu cầu sử dụng nguồn cát biển cho ngao giống là cần thiết. Nếu không thường xuyên bơm cát cải tạo (đảo bãi) ngao sẽ sinh trưởng chậm hoặc chết. Rất dễ đẩy chúng tôi vướng cảnh nợ nần, nguy cơ bị phá sản…"
Các hộ dân NTTS tại xã Nam Cường điêu đứng khi không có cát để nuôi ngao - Ảnh Thành Trung
Theo thông tin PV nắm được, huyện Tiền Hải hiện có khoảng hơn 1.300 hộ dân NTTS, với diện tích lên tới hơn 3.900ha. Trong đó có khoảng 1.990 ha NTTS có nhu cầu sử dụng cát biển, khối lượng 500m3/ha/năm. Riêng xã Nam Cường có diện tích nuôi ngao lên đến gần 100ha, chủ yếu là ươm ngao giống.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Ngọc Sang - Bí thư đảng ủy xã Nam Cường xác nhận: "Việc người dân trên địa bàn xã Nam Cường không có cát biển để phục vụ đảo bãi NTTS, dẫn đến tình trạng ngao chậm sinh trưởng và chết là chính xác. Việc đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của bà con. Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn kiến nghị và đã gửi báo cáo lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho bà con, nhưng đến nay, mọi việc chưa được giải quyết dứt điểm".
Cũng theo ông Hoàng Ngọc Sang, do phần lớn diện tích NTTS của xã nằm trong nội đồng, được bao bọc bởi đê biển số 5. Việc vận chuyển cát cho vùng nuôi ngao giống gặp rất nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu có nguồn cát cho ao nuôi cũng rất cần một bãi tập kết trung chuyển cát. Nếu không có bãi tập kết cát bà con sẽ phải mua nguồn cát không phù hợp cho ngao giống phát triển.
"Khó khăn quá, bà con đi mua cát nước ngọt về đảo bãi, nhưng việc đó không hiệu quả vì ngao không sống phù hợp với loại cát này. Nếu tình trạng trên còn tiếp diễn, sẽ có rất nhiều hộ dân phải bỏ hoang đầm, bãi, chuyển sang công việc khác vì không có cát để phục vụ cho nuôi ngao giống", ông Sang cho biết thêm.
Người dân đang chỉ về ao nuôi ngao của mình khi không có cát để đảo bãi - Ảnh Thành Trung
Một lãnh đạo đồn Biên phòng Cửa Lân cho hay: "Hiện trên địa bàn có 31 tàu, thuyền hút cát phục vụ NTTS tại các bãi triều ven biển và các đầm trong đê. Các phương tiện này đều nhỏ, không có giấy phép hoạt động, không có đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo các trang thiết bị an toàn hàng hải tối thiểu, người điều khiển và người làm việc trên tàu không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, hợp đồng lao động. Biết rằng khó khăn của bà con nhân dân trong việc thiếu cát biển để phục vụ sản xuất nhưng với chức trách nhiệm vụ được giao, Đồn Biên phòng Cửa Lân vẫn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động bơm hút cát và không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện hút cát ở những vị trí không được cấp phép".
Cũng theo lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa Lân: "Đến thời điểm hiện tại, trên khu vực biển của huyện Tiền Hải chưa có mỏ cát nào được cấp phép khai thác phục vụ NTTS; việc mua cát của các doanh nghiệp có mỏ cát được cấp phép khai thác khó khăn vì giá thành cao, trong khi đó nhu cầu sử dụng cát biển để cải tạo đầm, bãi NTTS là bức thiết và thường xuyên. Đồn Biên phòng Cửa Lân nhận được rất nhiều đơn kiến nghị của các chủ bãi, đầm xin được sử dụng các tàu hút cát để bơm cải tạo bãi, đầm NTTS. Do các phương tiện trên không đảm bảo đủ các thủ tục, giấy tờ, hút cát ở những khu vực chưa được cấp phép, nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của Đồn Biên phòng Cửa Lân.
Để giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân và đảm bảo các phương tiện hút cát hoàn thiện các thủ tục giấy tờ và được cấp phép hoạt động, chúng tôi đang đề xuất với các cấp, các ngành tìm cách tháo gỡ cho bà con nhân dân để có nguồn cát phục vụ mục đích NTTS như quy hoạch tạm thời hoặc lâu dài khu vực khai thác cát biển, có các bãi trung chuyển để việc vận chuyển cát vào các khu vực NTTS thuận lợi, giúp bà con phát triển kinh tế".
Thành TrungMạng lưới khách hàng của các nhà băng đã được mở rộng rất nhanh trong những năm qua. Nhờ chuyển đổi số, nhiều ngân hàng tư nhân đã đạt hơn 10 triệu khách hàng, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cuộc đua mở rộng thị phần ngoài nhóm Big 4.