Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp

Địa phương
01:50 PM 24/05/2024

Với mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, 2 bố con ông Phạm Văn Trung và anh Phạm Minh Tân (xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), đã áp dụng đưa cơ giới hoá vào sản xuất góp phần giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Thái Bình là tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp, gắn với nền văn minh lúa nước từ lâu đời. Những năm gần đây, dưới sức hút của các khu công nghiệp, doanh nghiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về giá cả, vật tư, sâu bệnh, thu nhập thấp,… đã khiến cho nhiều người dân bỏ ruộng hoang, không còn thiết tha với việc trồng lúa.

Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp- Ảnh 1.

Thiết bị bay không người lái DJI T50 được gia đình anh Tân đầu tư - Ảnh: Kim Dung

Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất của Nhà nước để sản xuất, bố con ông Phạm Văn Trung và anh Phạm Minh Tân (thôn Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải), ngoài đầu tư thiết bị máy móc và thuê lại ruộng đất bỏ hoang của nông dân để trồng lúa còn tích cực đưa cơ giới hoá vào sản xuất, góp phần giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp- Ảnh 2.
Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp- Ảnh 3.

Một số máy móc phục vụ sản xuất của gia đình anh Tân - Ảnh: Thành Trung

Về Nam Hà vào một ngày nắng tháng 5, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Tân, qua trò chuyện chia sẻ, anh Tân vui vẻ nhắc về câu chuyện khởi nghiệp của mình:

"Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết tôi quý trọng đồng đất của quê hương, thấu hiểu được sự vất vả của người nông dân. Nhìn thấy cánh đồng màu mỡ ngày nào bỗng chốc hoang hóa, cỏ mọc um tùm, tôi không khỏi xót xa, ngỏ ý muốn thuê lại để trồng lúa đã được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ. Những vụ đầu tiên vì chưa có kỹ thuật, diện tích ruộng lớn mà chưa có kinh nghiệm nên năng suất không cao, cho thu nhập chẳng đáng là bao".

Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp- Ảnh 4.

Máy bay không người lái đang phun thuốc BVTV trên khu vực sản xuất của gia đình anh Tân - Ảnh: Kim Dung

Đến nay, gia đình anh Tân đã mở rộng diện tích canh tác lên tới hơn 11ha tại 3 xã: xã Nam Chính 3ha, xã An Ninh 4ha và xã Nam Hà 4ha. Ngoài các trang thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất từ năm trước, bao gồm: 3 máy cày Kubota 4018VN, 1 máy gặt Kubota DC70, 2 máy cấy Kubota 48C, 1 dàn máy gieo mạ khay Kubota K800VN và 1 dây chuyền sấy lúa thành phẩm với công suất 10 tấn/1 lần sấy,... Tổng giá trị đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất hơn 3,5 tỷ đồng.

Mới đây, gia đình anh Tân vừa đầu tư thêm 1 máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật của hãng DJI T50 và các thiết bị kèm theo với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng để giúp giảm sức lao động và hiệu quả hơn so với phun bình truyền thống, góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất cũng như lượng thuốc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp- Ảnh 5.

Máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật của gia đình anh Tân - Ảnh: Thành Trung

Anh Tân cho biết thêm: "Đối với máy bay, có thể dùng vào 2 công việc đó là phun thuốc trừ sâu và rải phân bón, trong 1 lần cất cánh bay ở thời gian 2 - 3 phút có thể rải đến 50 kg phân bón. Thời gian phun thuốc bằng thiết bị bay giảm nhiều so với phun truyền thống bằng bình phun tay. Từ ngày có thiết bị bay, đã giảm được lượng thuốc phun dư thừa ra ngoài môi trường, không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Trước đây, phun bình thì tầm khoảng 20 lít nước/sào nhưng khi áp dụng máy bay phun 30 lít nước/1 ha, lượng thuốc bảo vệ thực phẩm được tối ưu hoá và tiết kiệm hơn, độ phủ đều, nhanh, kịp thời vụ, điều chỉnh được hạng thuốc to nhỏ, độ thẩm thấu thuốc vào cây lúa nhanh hơn so với làm thủ công.

Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp- Ảnh 6.
Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp- Ảnh 7.

Lễ bàn giao nhận máy bay nông nghiệp của anh Tân - Ảnh: Thành Trung

Vụ mùa năm nay, máy bay ngoài phục vụ canh tác cho gia đình, tôi còn kết hợp phun cho bà con nông dân, hợp tác xã xung quanh. Việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất đã giúp giảm bớt sức lao động cho người nông dân, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Lợi nhuận gia đình thu được trung bình hàng năm lên tới 400 - 500 triệu/năm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình".

Thái Bình: Làm giàu từ áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp- Ảnh 8.

Khu ruộng lúa nhìn từ trên cao của gia đình anh Tân - Ảnh: Kim Dung

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hà cho biết: "Hiện nay, xã Nam Hà có trên 300ha diện tích đất nông nghiệp. Những vụ mùa gần đây, việc áp dụng cơ giới hoá, máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, đã thực sự đem lại hiệu quả đáng kể cho bà con nông dân. Đây sẽ là bước tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cho người dân đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững".

Cận cảnh máy bay phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng lúa thuộc xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Phương pháp của anh Tân đã mở ra hướng đi mới cho người dân ở xã Nam Hà nói riêng và người dân huyện Tiền Hải nói chung. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục thuê thêm nhiều diện tích để trồng lúa, đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất, giảm thiểu gánh nặng cho bà con, góp phần phát triển nông nghiệp của địa phương.

Thành Trung
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.