Thái Bình: Làm giàu từ mô hình trồng nấm
Với khát vọng làm giàu từ nghề trồng nấm, gia đình ông Nguyễn Đức Đỉnh cùng vợ là Phạm Thị Nga (thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng nấm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trước đây, gia đình ông Đỉnh nghèo khó, cuộc sống của gia đình chỉ trông đợi vào mấy sào lúa, ngô cho thu nhập chẳng đáng là bao. Nghề trồng nấm bén duyên với ông Đỉnh từ năm 1997, khi đó ông đang học ở Trường Đại học Tây Nguyên. Thời điểm đó, ông vừa làm nương rẫy, trồng cà phê, vừa làm thêm nghề nấm.
Hơn 20 năm sản xuất tự do ở tỉnh Đắk Lắk, sản phẩm chủ yếu là mộc nhĩ và nấm tươi. Tuy nhiên do nhu cầu tiêu thụ của người dân chưa nhiều, các mặt hàng về nấm còn khá lạ lẫm nên chưa được tin dùng. Đến năm 2019, gia đình ông Đỉnh quyết định trở về địa phương (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư), với mong muốn làm giàu ngay tại quê hương mình từ số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng được vay từ người thân, bạn bè và Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ.
Khu vực nuôi trồng nấm của gia đình ông Đỉnh
Bà Phạm Thị Nga - vợ ông Đỉnh cho biết: "Những năm đầu, việc sản xuất nấm của gia đình gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khí hậu miền Bắc thường thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây nấm, chi phí sản xuất nấm lại tăng cao,…Tuy nhiên, nhờ nắm chắc kỹ thuật, dày dặn kinh nghiệm trồng nấm nên gia đình đã vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất".
Đến nay, gia đình ông Đỉnh dành diện tích hơn 2500m2 xây dựng nhà xưởng để trồng nấm, lắp đặt hệ thống tưới thông minh, mái thông gió, làm mát tự động, kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió. Ngoài ra, gia đình ông còn đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại như: lò hấp khử trùng, máy đóng bịch, máy xay, máy phá bịch, máy sàng mùn cưa,... để giảm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nấm và mộc nhĩ được nuôi trồng từ gia đình
Theo ông Đỉnh, trồng nấm thực sự không khó nhưng đòi hỏi người trồng phải chăm chỉ, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chăm sóc.
Muốn trồng nấm cho năng suất cao, thì cần phải hiểu rõ quy trình kỹ thuật trồng như: Từ việc nhập mùn cưa cao su (chứa nhiều chất dinh dưỡng) ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai về. Tiếp đó, trộn mùn cưa với vôi bột tỷ lệ 6,5 - 7 độ PH và nước có độ ẩm từ 60 - 65%. Sau khi nhào đều xong, đóng vào bịch túi nilon rồi cho vào lò hấp để khử khuẩn, diệt vi khuẩn có hại và mốc.
Tiếp tục cấy giống vào trong ống nghiệm, từ ống nghiệm chuyển sang cấy trên hạt thóc, nhờ thóc giúp cho nấm sinh trưởng. Sau đó, ươm trong bịch thường mỗi bịch sẽ cho khoảng 15 - 20 hạt thóc. Trong thời gian 45 ngày sau khi cấy giống, sẽ cho thu hoạch nấm. Mỗi năm, nấm sẽ cho thu hoạch 2 vụ.
Quá trình xử lý và đóng gói sản phẩm của gia đình
Nhờ tuân thủ khắt khe trong quá trình trồng nấm nên nấm của gia đình ông phát triển tốt, không sâu bệnh. Gia đình ông Đỉnh mỗi năm sản xuất khoảng 30 tấn nấm, thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở trong tỉnh và 1 số tỉnh khác như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai,... Sản phẩm nấm sò của gia đình ông đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2023.
Sản phẩm nấm sò của gia đình đạt chuẩn OCOP 3 sao
Sản phẩm nấm sò của gia đình bán ra thị trường có giá từ 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, mô hình trồng nấm đem về cho gia đình thu nhập khoảng từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Đồng thời, còn tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 lao động với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/ tháng, hỗ trợ khởi nghiệp cho những hộ dân có nhu cầu từ nghề nuôi trồng nấm, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: "Hiện nay, mô hình trồng nấm của gia đình ông Đỉnh không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa mà còn là "điểm sáng" trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương".
Trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao - Nguồn: Đài PTTH Vũ Thư
Trong thời gian tới, gia đình ông Đỉnh sẽ tiếp tục phát triển mô hình, đầu tư trồng thêm các loại nấm, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân ở địa phương, cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Thành Trung - Kim DungKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.