Thái Bình: Năm thứ 2 liên tiếp vượt mốc hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới
Với chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn lắng nghe và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư, trong năm 2023, tỉnh Thái Bình tiếp tục là địa phương có số doanh nghiệp được thành lập mới tăng khá ổn định, khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng của địa phương.
Theo đó, Thái Bình đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.098 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 13 nghìn 200 tỷ đồng (tăng 38,1%) so với năm 2022.
Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Thái Bình cán mốc phát triển hơn 1.000 doanh nghiệp mỗi năm (năm 2022 có 1.137 doanh nghiệp mới được thành lập). Cùng với đó, trong năm nay còn có 271 doanh nghiệp hoạt động trở lại; đồng thời trên địa bàn tỉnh có thêm 572 chi nhánh, Văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động.
Có được kết quả nêu trên chính là sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, ngoài ra là sự lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Để có môi trường đầu tư tốt, tỉnh đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả; kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án đầu tư không có tính khả thi hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng. Duy trì 3 Tổ công tác chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại do 3 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng và thành lập Tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tổ chức tháng 5/2023 và buổi làm việc giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tháng 8/2023 có tổng số 78 kiến nghị của doanh nghiệp được gửi đến các sở, ngành, đơn vị để có biện pháp tháo gỡ. Qua theo dõi, hiện nay đã có 67/78 kiến nghị được giải quyết thấu đáo, còn 11 kiến nghị đang được các sở, ngành của tỉnh tập trung xử lý, giải quyết.
Tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng lập, thẩm định và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục chủ trương đầu tư các dự án.
Ngoài ra, địa phương cũng ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai đối với dự án đầu tư. Mặt khác, chính quyền tỉnh chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quyết định về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và quy trách nhiệm người đứng đầu, công chức, viên chức trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao trình độ quản lý, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất kinh doanh và tạo được sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng trưởng và đạt kết quả tích cực với tổng sản phẩm GRDP năm 2023 ước đạt 67.743 tỷ đồng, tăng 7,53% so với năm 2022, đồng thời giải quyết hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngọc MỹNgày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.