Thái Bình: Người nông dân "hồi sinh" ruộng hoang nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Địa phương
11:36 AM 07/11/2023

Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất tập trung, hướng đến nền sản xuất hàng hóa lớn, anh Mai Văn Hiền (xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã tích tụ ruộng hoang trồng 90 mẫu khoai tây, đồng thời đầu tư đưa cơ giới hóa hỗ trợ các công đoạn trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thái Bình là một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là nông sản trọng tâm với diện tích hàng năm đạt 155.000ha, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha/năm. Những năm gần đây, tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Hầu hết thế hệ trẻ đều đi tìm công việc mới ở các khu công nghiệp, xí nghiệp, công ty. Còn lực lượng trung niên, cao tuổi ở nhà sản xuất nông nghiệp. Nhưng do quá vất vả nên họ đành bỏ ruộng.

Thái Bình: Tích tụ ruộng hoang, đưa máy móc vào trồng khoai tây với quy mô lớn - Ảnh 1.

Một khu ruộng bị bỏ hoang ở xã Vũ Hội được anh Hiền "hồi sinh" - Ảnh: Kim Dung

Với mong muốn "hồi sinh" những mảnh ruộng đó, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cũng như việc làm cho nhiều bà con ở quê, anh Mai Văn Hiền đã mạnh dạn đầu tư, đưa điều đó thành sự thật.

Trao đổi với PV, anh Mai Văn Hiền cho biết: "Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết, tôi thấu hiểu và quý trọng đồng đất của quê hương, sự vất vả của người nông dân. Chứng kiến những cánh đồng xanh màu mỡ ngày nào giờ chỉ còn lại đất đai cằn cỗi, cỏ mọc um tùm, tôi không khỏi xót xa và nghĩ cần phải làm điều gì đó cho quê hương, gây dựng lại phương pháp làm nông nghiệp theo cách mới. Thực hiện theo chủ trương tích tụ ruộng đất không để ruộng hoang, gia đình tôi đã liên hệ tới các gia đình có ruộng nhưng không còn cấy lúa để thuê lại và trồng khoai tây".

Thái Bình: Tích tụ ruộng hoang, đưa máy móc vào trồng khoai tây với quy mô lớn - Ảnh 2.

Anh Hiền bên máy móc trong quá trình sản xuất - Ảnh: Thành Trung

Trong 4 năm gần đây, anh Hiền đã đầu tư trên 500 triệu đồng mua 3 máy trồng khoai tây và nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh thuê lại 90 mẫu ruộng của bà con nông dân ở các xã: Vũ Lễ, Vũ An (huyện Kiến Xương), Vũ Lạc (thành Phố Thái Bình) và xã Vũ Hội quê anh để sản xuất.

Khoai tây là cây trồng ưa lạnh (nhiệt độ thích hợp nhất 15 - 220C), phù hợp với điều kiện khí hậu ở miền Bắc, thổ nhưỡng chủ yếu là đất pha cát thuận lợi để trồng. Do vậy, trồng vào vụ đông (từ ngày 15/10 - 30/11 là thích hợp nhất, thậm chí có thể kéo dài đến 15/12 dương lịch) sẽ giúp cây phát triển tốt. Trồng khoai tây không mất công lao động là do phần lớn các công đoạn canh tác, làm đất, vun xới, tưới tiêu, thu hoạch củ, đều thực hiện bằng máy móc, chỉ còn mấy khâu sản xuất nhẹ nhàng phải làm thủ công là đặt củ giống, rải phân và phân loại củ thương phẩm. 

Anh Hiền biến ruộng hoang thành khu canh tác cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Dung

Một chiếc máy trồng khoai tây thực hiện 4 công đoạn một lúc như: lên luống, bón phân, đặt mầm, vun luống, năng suất trồng 8 mẫu khoai tây/ngày, tương đương với sức làm việc của 50 nhân công. Công đoạn bón thúc, vun luống cũng được thực hiện hoàn toàn bằng máy. Khoai tây giống và khoai thương phẩm được bao tiêu theo hợp đồng của công ty đặt hàng. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ thu lãi từ 4,5 - 5 triệu đồng/1 sào khoai tây. 

Nhiều mảnh ruộng bị bỏ hoang sau khi được anh Hiền đầu tư đã trở thành những mảnh đất màu mỡ, tươi tốt. Do có kiến thức đầu tư bài bản, kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước, anh Hiền đã từng bước khẳng định sự thành công của mình, "hồi sinh" những mảnh ruộng hoang. Lợi nhuận gia đình anh thu được lên đến tỷ đồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Thái Bình: Tích tụ ruộng hoang, đưa máy móc vào trồng khoai tây với quy mô lớn - Ảnh 4.

Ông Vũ Đình Phùng - Giám đốc HTX nông nghiệp Vũ Hội. Ảnh: Thành Trung

Ông Vũ Đình Phùng - Giám đốc HTX nông nghiệp Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho biết: "Hiện nay, xã có diện tích gần 300 ha ruộng đất bị bỏ hoang. Phần lớn, người dân trong xã đi làm tại các công ty, xí nghiệp, làng nghề có thu nhập ổn định hơn so với việc trồng lúa. Việc tích tụ và cải tạo ruộng đất của anh Hiền đã mang lại diện mạo mới cho vùng đất nơi đây. Đến nay, anh Hiền đã trồng được 11 mẫu, tương lai sẽ phấn đấu lên 15-20 mẫu. Chúng tôi nhận thấy một lối mở ra cho nông nghiệp địa phương, UBND xã đã tạo điều kiện tốt nhất cho anh Hiền trong việc tích tụ ruộng đất bỏ hoang. Bên cạnh đó, UBND xã sẽ cho khơi thông hệ thống mương máng cung ứng nước phục vụ tưới tiêu. Trong tương lai, xã dự định giao địa điểm gần trạm máy bơm thuận lợi cho tưới tiêu phục vụ khi trồng khoai tây cho anh Hiền".

Thời gian tới, anh Hiền sẽ khuyến khích bà con địa phương tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập, tránh được tình trạng nhà nông bỏ ruộng vì canh tác không hiệu quả, rút bớt được lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ thương mại.

Phương pháp làm ruộng mới của anh Hiền góp phần mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Anh cho biết, trong thời gian tới gia đình anh sẽ tiếp tục thuê thêm nhiều diện tích đất để canh tác và phát triển thêm quy mô.

Anh Hiền hi vọng, chính quyền các cấp sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ các bà con nông dân để mở rộng kinh doanh và phát triển sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, thu hút bà con nông dân quay trở lại với ruộng đồng, nâng cao thu nhập từ nông nghiệp.

Những thành quả trong nhiều năm qua là một nguồn động lực lớn giúp gia đình anh quyết tâm gắn bó với đồng ruộng và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Thành Trung - Kim Dung
Ý kiến của bạn