Thái Bình: Người nuôi tôm công nghệ cao gặp khó
Trong những năm qua, trên địa bàn các xã ven biển huyện Tiền Hải (Thái Bình) phát triển mạnh việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi, thiếu định hướng, sản xuất tự phát, không được trang bị kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư sản xuất…, khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực Cồn Vành xã Nam Phú; xã Nam Hưng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), trên diện tích đầm bãi rộng hàng 100ha nhiều hộ dân đầu tư xây dựng ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp. Hiện nay đang trong mùa vụ chính nhưng nhiều ao nuôi còn bỏ không, rêu rong phủ kín, nhiều ao nuôi bị sạc lở; số bị tháo dỡ phá bỏ. Một số hộ nuôi nhưng chỉ cầm chừng, manh mún...
Nhiều ao tôm đã bỏ hoang do người dân làm ăn thua lỗ, không còn tiền tái đầu tư - Ảnh Thành Trung
Trao đổi với PV, anh Trần Xuân Quế (thôn Trung Thành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) cho biết: từ đầu năm 2017, gia đình anh bỏ nghề nuôi cá truyền thống chuyển sang đầu tư vào nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức nuôi công nghiệp. Trên diện tích 2ha gia đình anh đầu tư xây dựng gồm 2 ao nuôi và hệ thống phụ trợ với số tiền trên 2 tỷ đồng. Để có số tiền đầu tư này anh phải cầm cố tài sản là ngôi nhà vợ chồng, con cái anh đang sinh sống để vay vốn ngân hàng.
"Đầu tư lớn là vậy, cả gia tài giành dụm, vốn vay ngân hàng tôi đổ hết vào nuôi tôm. Biết là làm ăn lúc được lúc thua nhưng 2 năm trở lại đây, mỗi năm 2 vụ tôm tôi đều thất bại dẫn đến thua lỗ gần 1 tỷ đồng/năm khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn thiếu vốn để tái sản xuất…", anh Quế chia sẻ.
Cũng theo anh Trần Xuân Quế, nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao ở miền bắc khó khăn hơn ở miền nam do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều, lạnh cũng kéo dài dẫn đến các yếu tố môi trường dễ biến đổi như độ pH, độ Kiềm, No2, NH3, độ mặn… trong ao nuôi dẫn đến tôm yếu và dễ chết hàng loạt. Cùng với đó, khâu kỹ thuật không có chỉ học hỏi qua mạng xã hội và kinh nghiệm dẫn đến thất bại.
Nhiều ao nuôi tôm bị bỏ hoang, rong rêu phủ kín - Ảnh Thành Trung
Tại Cồn Vành (xã Nam Phú), huyện Tiền Hải, nơi có rất nhiều hộ dân đang đầu tư vào nuôi tôm thẻ chân trắng, PV gặp anh Trương Ngọc Đại (quê gốc Thanh Hóa ra đầu tư nuôi tôm từ năm 2017). Anh Đại cho biết, từ năm 2017 đến nay anh đầu tư vào diện tích nuôi tôm 2ha, với 10 ao nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao. Tổng giá trị đầu tư là gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay gia đình anh mất nhiều hơn được, hiện anh cũng chỉ dám duy trì 2 ao nuôi vì không còn vốn để tái sản xuất.
Anh Đại cho biết, giá cám nuôi tôm rất cao (từ 30 – 38 nghìn đồng/kg), chi phí tiền điện, tiền nhân công lớn (lúc nhiều nhất anh phải thuê 10 người làm). Trong 2 năm qua, tôm trong các ao nuôi của anh thường xuyên đổ bệnh và chết. Nguồn vốn để tái đầu tư không còn. Để tiếp tục có vốn sản xuất anh phải vay vốn ngân hàng và huy động người thân: "Một vụ tôm (từ 4 – 6 tháng) nếu thành công, trừ tất cả chi phí và khấu hao tài sản đi, cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu do giá tôm thành phẩm thấp, không may tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt là người dân lại trắng tay, lâm vào cảnh nợ lần chồng chất, phá sản", anh Đại cho biết thêm.
"Chúng tôi chỉ vay vốn ngân hàng bằng tài sản là nhà đất của mình, ngân hàng không cho thế chấp những ao tôm để vay vốn. Làm ăn thua lỗ là mất cả nhà lẫn ao tôm. Số tiền đầu tư lớn nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Kể từ ngày đầu tư, tôi chưa được bất kỳ cán bộ phụ trách về vấn đề nuôi tôm của các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm lần nào. Phong trào nuôi tôm ở khu vực này là tự phát. Tôi đau đáu trong lòng là hiện tại bà con nuôi tôm chưa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, vẫn phải trả lãi ngân hàng với mức cao", anh Đại ngậm ngùi chia sẻ.
Tôm thẻ chân trắng đang trong quá trình sinh trưởng - Ảnh Thành Trung
Không chỉ anh Quế, anh Đại trên địa bàn xã Nam Phú, anh Nguyễn Văn Hoàn một hộ nuôi tôm công nghệ cao tại (thôn Tân Trào, xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải) cũng cho hay: Với số tiền 1.5 tỷ đồng, gia đình anh Hoàn đầu tư cải tạo diện tích gần 2ha thành 12 ao để nuôi tôm công nghiệp. Mới đây nhất, dịp đầu tháng 3/2022 anh đầu tư số tiền 300 triệu cho tôm giống và thức ăn, nhưng do điều kiện thời tiết thất thường, mưa rét nhiều dẫn đến toàn bộ tôm trong các ao nuôi của anh chết hết, mất trắng số tiền gia đình anh đã đầu tư, hiện anh không còn tiền để tái sản xuất, phải bỏ hoang 10 ao tôm, chỉ giữ lại được 2 ao nuôi cầm chừng.
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Khương – Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết: Người dân trên địa bàn xã Nam Phú nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức công nghệ cao từ năm 2017. Tổng diện tích nuôi tôm là trên 50ha, có 30 hộ dân đang nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn xã, tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 người.
Theo ông Khương, những năm gần đây do biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt khiến người nuôi tôm điêu đứng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ lần chồng chất, thậm chí có người phải bỏ làng đi tìm công việc khác do không còn vốn để mưu sinh, nhà cửa cầm cố ở ngân hàng bị ngân hàng siết nợ, phát mại tài sản.
"Từ khi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức áp dụng công nghệ cao đến nay (gần 5 năm – PV) người dân trên địa bàn xã chưa được huấn luyện, hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều người dân không có kinh nghiệm đầu tư nuôi tôm hoặc ảnh hưởng lớn từ điều kiện thời tiết khiến rất nhiều người trắng tay, không còn vốn để tái đầu tư vào sản xuất, thậm chí có người còn bỏ quê hương mà đi vì lâm vào bước đường cùng", ông Khương xác nhận.
Ông Khương đề xuất các cấp, các ngành tỉnh Thái Bình tạo điều kiện thuận lợi, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời để giảm thiểu rủi ro cho cho bà con nuôi tôm. Xem xét mức độ đầu tư để quy hoạch các vùng nuôi, cán bộ kỹ thuật cần có mặt kịp thời để giúp đỡ bà con trong sản xuất, có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay nuôi trồng, kinh doanh tôm thẻ chân trắng tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nuôi tôm bền vững.
Thành Trung - An BìnhLượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.