Thái Bình: Người thương binh nặng lòng với cộng đồng
Giải ngũ về quê sau chiến tranh, người thương binh với 81% thương tật đã vươn lên làm chủ một doang nghiệp vận tải có uy tín tại Thái Bình giúp hàng trăm lao động có việc làm và thu nhập ổn định, phát triển kinh tế quê hương.
Chúng tôi tìm về nhà người thương binh kể trên. Đó là ông Phạm Ngọc Sơn (sinh năm 1950), Giám đốc Công ty TNHH vận tải 27/7 Thương binh Thái Bình, có trụ sở tại Phố Tăng, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Với vẻ bề ngoài chất phác, đậm nét bộ đội Cụ Hồ, ông Sơn tiếp chúng tôi với sự hồ hởi, thân tình.
Ông Sơn chia sẻ: Năm 1972, ông tham gia kháng chiến chiến trường miền Nam thuộc Đoàn 559 Binh trạm 42 bộ đội Trường Sơn. Tháng 6 năm 1972, ông bị thương nặng trong chiến dịch 81 ngày đêm hỗ trợ cho vĩ tuyến 17 tại Quảng Trị. Người chiến sỹ lái xe ấy sau khi được điều trị, ông tiếp tục tham gia chiến đấu và giải ngũ năm 1976. Năm 1979, ông tái ngũ tham gia các trận đánh ở chiến tranh biên giới tại tỉnh Hà Giang, đến năm 1986, ông xuất ngũ về địa phương.
Năm 1996, ông thành lập Hợp tác xã vận tải 27/7 (tiền thân của Công ty TNHH vận tải 27/7 Thương binh Thái Bình ngày nay) và hoạt động vận tải từ ngày đó đến nay.
Với hơn 100 lao động, hơn 60 xe khách, xe tải các loại, công ty của ông đã tạo việc làm và thu nhập ổn định với mức lương trung bình từ 8-16 triệu đồng/tháng cho mỗi người lao động. Tham gia công ty vận tải của ông đa số là các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Ông Sơn là người chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương nơi cư trú. Ông luôn tích cực hưởng ứng các phong trào Đền ơn đáp nghĩa giúp đỡ gia đình chính sách khó khăn.
Cụ thể: Năm 2015 xây dựng nhà tình nghĩa tặng bà Hoàng Thị Bình (thị trấn Diêm Điền - Thái Thụy) trị giá 120 triệu đồng; năm 2016 ủng hộ bà Trần Thị Tý (là thanh niên xung phong) 50 triệu đồng để xây nhà; năm 2017 ủng hộ xã Phú Châu xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ trị giá 50 triệu đồng; năm 2018 ủng hộ 300 suất quà (300.000 đồng/suất) cho các đồng chí là bộ đội Trường Sơn; năm 2019 ủng hộ 50 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho bà Lại Thị Bình ở xã Đông Á...
Năm 2020-2021, ông đã ủng hộ 150 suất quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ 100 triệu đồng cho 1 thanh niên xung phong xây nhà. Từ năm 2015 đến nay, ông đã tặng 600 suất quà cho những đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Với tinh thần của một người lính khao khát tìm lại những đồng đội đã hy sinh ở chiến trường, ông mua riêng một xe ô tô dành cho việc đưa thi hài liệt sỹ từ các địa phương trong cả nước về với quê hương Thái Bình. Từ năm 2021, có 7 thi hài liệt sỹ đã được ông tình nguyện chở về địa phương, với chi phí 0 đồng, thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của người dân Việt Nam.
Với rất nhiều huân, huy chương cao quý được Nhà nước trao tặng, người thương binh ấy đã và đang tiếp tục giúp ích cho đời, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng phồn thịnh.
Thành TrungTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.