Thái Bình nước lũ tiếp tục tăng cao

Địa phương
11:06 AM 11/09/2024

Hiện nay, mực nước lũ các sông trong tỉnh đang lên, mực nước lũ tại Trạm Tiến Đức, sông Hồng đã vượt báo động cấp III và còn tiếp tục lên, diễn biến lũ rất phức tạp.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ra công điện khẩn Số 17/CĐ-PCTT, hồi 07h30' ngày 11 tháng 9 năm 2024 lệnh báo động cấp III trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa.

Thái Bình nước lũ tiếp tục tăng cao- Ảnh 1.

Mực nước dâng cao tại sông Trà Lý (đoạn qua TP. Thái Bình) - Ảnh: Thành Trung

Yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành: Ủy ban nhân dân huyện: Hưng Hà, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải; Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác đê điều cả ngày, đêm theo lệnh báo động cấp III trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu theo phương châm "Bốn tại chỗ".

Thái Bình nước lũ tiếp tục tăng cao- Ảnh 2.

Gia cố để đảm bảo an toàn cho đê tại xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư

Triển khai phương án di dời người và tài sản các hộ dân sinh sống trong các bờ bao, đê bối, nếu thấy không an toàn vào trong đê chính, bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, đặc biệt là phương án chống tràn tại các vị trí đê thấp trũng. Dừng tất cả các hoạt động của các bến đò ngang trên triền sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thông báo cho các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông trên các tuyến sông: Hồng, Luộc, Hóa, Trà Lý về tình hình nước lũ lên cao để đảm bảo an toàn cho các phương tiện và công trình cầu, cống, đê, kè.

Toàn cảnh nước dâng cao tại sông Trà Lý lúc 15h ngày 10/9 - Clip: Hoàng Video

Rà soát các điểm xung yếu, các vị trí đê điều có mái kè là mái đê, chân đê là đầm, ao, ruộng trũng có khả năng xuất hiện các sự cố. Kiểm tra việc chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, tránh mọi biểu hiện chủ quan trong phòng, chống lũ; địa phương, đơn vị nào để xảy ra sự cố không xử lý kịp thời do chủ quan, lơ là thì thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ; trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Thành Trung - Đức Thạnh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.