Thái Bình: Sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 2

Địa phương
05:14 PM 22/07/2024

Ngày 22/7, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 2, kết hợp với hội tụ gió trên cao, nên từ chiều tối và đêm 22 đến 24/7 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Từ chiều tối 22-23/7, vùng biển ngoài khơi hai huyện Thái Thuỵ; Tiền Hải có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Khu vực ven biển cần đề phòng có nước dâng do bão kết hợp với triều cường, mực nước dâng tổng cộng cao từ 4,0 - 4,5m. Cấp độ rủi thiên tai đạt cấp 3.

Trước dự báo trên, để chủ động ứng phó với bão số 2, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình ban hành Công điện khẩn số 02, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển ngoài khơi từ 9 giờ ngày 22/7; bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Thái Bình: Sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 2- Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh dự báo hướng di chuyển của cơn bão số 02 (cập nhật lúc 10h00 ngày 22/7/2024)

Di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm tại các vùng bãi thấp, cửa sông, ven biển, số ngư dân trên các phương tiện vào nơi an toàn; chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên sông, ven biển đảm bảo an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 22/7.

Các phương tiện tàu cá, các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản khác có thể phải chịu rủi ro rất lớn của gió mạnh, sóng lớn, nước dâng. Mưa lớn gây ngập úng một số diện tích lúa mới cấy và gieo sạ tại các huyện Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải. Nước dâng, sóng lớn gây ngập lụt các vùng trũng thấp ngoài đê chính khu vực ven biển, vùng cửa sông; gây sạt lở đê, kè nơi xung yếu vùng cửa sông ven biển.

Bên cạnh đó, công điện cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, tổ chức khơi thông giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu và các khu vực trũng thấp, khu công nghiệp, đô thị, dân cư tập trung.

Triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu tại các tuyến đê cửa sông, đê biển; nếu phát hiện công trình không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng phương tiện vật tư để xử lý.

Thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng chống thiên tai, lụt bão tăng cường cho các huyện Thái Thụy, Tiền Hải đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo đôn đốc tham mưu biện pháp phòng, chống bão…

Thành Trung
Ý kiến của bạn
Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9 Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, sáng nay (13/9) đường sắt đã thử tải an toàn qua cầu Long Biên và cầu Đuống. Từ chiều nay các đoàn tàu sẽ chạy trở lại trên 2 cầu Long Biên và cầu Đuống.