Thái Bình tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, Thái Bình đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; quyết liệt chỉ đạo công tác thu ngân sách, khai thác tối đa các nguồn thu, tiết giảm các nguồn chi để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh... Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh ước đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022 (kế hoạch 11% trở lên). Tổng giá trị sản xuất ước đạt 203.029 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6% và khu vực dịch vụ tăng 6,2%. Về cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,9%; Công nghiệp và xây dựng chiếm 45,0%; Dịch vụ chiếm 29,1% và Thuế sản phẩm chiếm 6,0%.
Nhìn lại năm 2023, trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, thị trường tiêu thụ ổn định nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt được kết quả tích cực. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 29.787 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2022 (kế hoạch 2,2% trở lên), trong đó nông nghiệp ước đạt 23.831 tỷ đồng, tăng 2,0%, thủy sản tăng 3,2%. Tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2023, toàn tỉnh đạt 149.863 ha, bằng 99,2% kế hoạch, giảm 1.765 ha so với năm 2022; hai vụ lúa đều được mùa, năng suất đạt cao. Tổng diện tích trồng cây màu đạt 71.253 ha, giảm 1.205 ha so với năm trước, năng suất các loại cây trồng đều đạt khá cao, cây có giá trị cao được mở rộng diện tích như ngô, dưa bí, ớt, cà rốt, khoai tây... Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, sản xuất theo "cánh đồng lớn", cánh đồng có liên kết tiếp tục được triển khai thực hiện. Đến nay cơ giới trong sản xuất nông nghiệp đạt 100% trong khâu làm đất, 33,7% khâu gieo hạt, 80% khâu thu hoạch, 100% khâu xay sát lúa. Vụ Xuân diện tích lúa cấy bằng máy đạt 18.507 ha, chiếm 24,7% diện tích, gấp 1,5 lần so với vụ Xuân năm 2022; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái đạt trên 8.000 ha (chiếm 10,7% diện tích); phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy cày, máy bơm cao áp đạt trên 20.000 ha (chiếm 26,7% diện tích)… giúp giảm chi phí sản xuất gần 2 triệu đồng/ha. Vụ Mùa diện tích lúa cấy bằng máy đạt 18.525 ha, chiếm 24,7% diện tích, cao hơn 3.000 ha so với vụ Mùa năm 2022. Phong trào tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất quy mô lớn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ngày càng phát triển sâu rộng. Đến nay, tổng diện tích tích tụ, tập trung là 11.216 ha (Lĩnh vực trồng trọt 8.251,71 ha; chăn nuôi 487,47ha; thủy sản 2.526,74 ha), tăng 3.332 ha (tăng 42,3%) so với năm 2020. Hoạt động tích tụ, tập trung đất đai từng bước khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang, giúp khai thác có hiệu quả tài nguyên đất, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô hàng trăm hec-ta được hình thành, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa được đẩy mạnh giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi được duy trì ổn định với giá trị sản xuất ước đạt 10.426 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2022. Cơ cấu giống vật nuôi tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ sang các giống vật nuôi cao sản hướng thịt, trứng như lợn, gà, vịt. Công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin được thực hiện nghiêm túc; dịch bệnh nguy hiểm được kiểm soát tốt không để lây lan trên diện rộng. Tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh ước đạt 59,3 nghìn con, tăng 1,1%; tổng đàn lợn ước đạt 710,8 nghìn con, tăng 0,6%; tổng đàn gia cầm ước đạt 14,6 triệu con, tăng 0,3% so với năm trước. Chăn nuôi theo hình thức trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, quy trình chăn nuôi an toàn, chăn nuôi VietGAHP được ứng dụng rộng rãi đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao; ước sản lượng chăn nuôi tại các trang trại chiếm 63% sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 1 hiệp hội, 5 HTX, 12 tổ hợp tác chăn nuôi và duy trì chuỗi liên kết dọc của 5 doanh nghiệp với 30 trang trại chăn nuôi; có 12 mô hình được chứng nhận phù hợp chăn nuôi VietGAP và hàng nghìn chứng nhận GAHP nông hộ; có 5 sản phẩm chăn nuôi và 03 sản phẩm chế biến chăn nuôi được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao.
Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển ổn định với giá trị sản xuất ước đạt 5.938 tỷ đồng, tăng 3,2%; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 289,4 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2022. Tổng diện tích nuôi trồng đạt 15.665,11 ha, tương đương cùng kỳ; diện tích nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi đến nay đạt 172,8 ha, tăng 19,57 ha so với cùng kỳ. Tiếp tục phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản ven biển, toàn tỉnh hiện có 692 lồng nuôi cá, ếch và 700 bè nuôi hàu cửa sông, sản xuất gần 568,5 triệu giống thủy sản. Nâng cao năng lực khai thác và đẩy mạnh việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp đối với lượng tàu trong tỉnh, gồm 741 tàu cá với công suất 101.862 KW, số tàu lắp máy giám sát hành trình 174/176 tàu, đạt 98,9%.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo, trong dịp phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão, toàn tỉnh đã trồng trên 1,7 triệu cây các loại. Thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh, đến nay đã trồng được 15,5 ha/20 ha; đồng thời, thực hiện trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng các năm trước với diện tích 314,73 ha. Tiếp tục thực hiện dự án phục hồi và phát triển rừng ven biển; điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020; công bố hiện trạng rừng năm 2022 tỉnh Thái Bình.
Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả. Hoàn thiện thủ tục công nhận xã nông thôn mới nâng cao; công nhận thêm 10 xã, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến nay là 34 xã. Chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các chương trình "Thắp sáng đường quê", mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Đến nay, có 124 xã đã đăng ký hiện lắp đặt được 1.145,719 km, trong đó 42 xã đã lắp đặt 76,566 km đèn điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; có 81 xã đăng ký đèn điện chiếu sáng bằng điện lưới với tổng chiều dài 554,209 km… Toàn tỉnh hiện có 113 sản phẩm OCOP (48 sản phẩm đạt 4 sao và 65 sản phẩm xếp hạng 3 sao) với tổng số 68 cơ sở sản xuất (25 doanh nghiệp, 30 hợp tác xã và 13 hộ kinh doanh). Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP. Tiếp tục duy trì, phục hồi, phát triển 141 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận; xây dựng "Đề án Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình". Để củng cố, đẩy mạnh phát triển xây dựng nông thôn mới nâng cao, tỉnh còn triển khai các giải pháp thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Đối với sản xuất công nghiệp và xây dựng, ngay từ đầu năm, Tỉnh tổ chức Lễ phát động doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, gặp mặt chúc Tết doanh nghiệp trong nước, nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó là tổ chức Lễ khởi công, động thổ, khánh thành một số dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Hải Long; Nhà máy Greenworks Thái Bình Việt Nam, Nhà máy Lotes Việt Nam tại KCN Liên Hà Thái; Nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng trong nhà, ngoài trời và đồ nội, ngoại thất tại KCN Tiền Hải; tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật dự án cải tạo, nâng cấp QL.37 đoạn qua địa phận tỉnh và cầu sông Hóa; khởi công xây dựng công viên Kỳ Bá… Đồng thời, tỉnh triển khai điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung và các đồ án quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục và triển khai một số dự án lớn như: KCN VSIP Thái Bình, KCN Hải Long, KCN Hưng Phú, Nhà máy nhiệt điện LNG, KCN Dược - Sinh học. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu kinh tế và các KCN; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế và các KCN cơ bản ổn định... Bằng hàng loạt các giải pháp cụ thể, thiết thực nên kết quả giá trị sản xuất khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 của Thái Bình ước đạt 138.232 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2022, trong đó giá trị ngành công nghiệp ước đạt 103.750 tỷ đồng, tăng 8,5% và giá trị ngành xây dựng ước đạt 34.482 tỷ đồng, tăng 5,1% …
Năm 2023, hoạt động thương mại - dịch vụ duy trì ổn định, thị trường hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là trong dịp lễ, Tết; chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến công, khuyến thương. Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là năm thứ 13 Thái Bình tổ chức Chương trình bán hàng bình ổn giá những tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán của dân tộc, là năm thứ 8 Thái Bình huy động nguồn vốn xã hội hóa của các thương nhân để thực hiện chương trình với sự tham gia của 31 doanh nghiệp, trong đó có 20 gian hàng bình ổn giá tại Hội chợ Mừng Đảng - Mừng Xuân Thái Bình 2023. Hội chợ thu hút 100 gian hàng của 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tổ chức thành công hội nghị phát triển thị trường lúa gạo Thái Bình, hội thảo "Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - Tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp" và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ sau hội nghị, hội thảo. Ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; chỉ đạo tổ chức tập huấn về lĩnh vực xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế. Theo số liệu từ Cục Thông kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 69.212 tỷ đồng, tăng 15,3%; giá trị sản xuất khu vực dịch vụ ước đạt 35.010 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2.601 triệu USD, tăng 6,0%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.769 triệu USD, giảm 19,9% so với năm 2022. Hoạt động vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân. Hoạt động du lịch lữ hành có xu hướng tăng cao với tổng lượng khách ước đạt 850.000 lượt, doanh thu đạt 550 tỷ đồng. Vốn huy động và tín dụng ngân hàng tăng trưởng cao, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp. Tỉnh đã chỉ đạo phối hợp triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023 ước đạt 119.195 tỷ đồng, tăng 14%; tổng dư nợ cho vay đạt 94.821 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm 31/12/2022; tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 0,85% tổng dư nợ cho vay. Nhờ chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 toàn tỉnh ước thực hiện 24.458,6 tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán, trong đó thu nội địa 10.189 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.580 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 22.561,5 tỷ đồng với mức chi đầu tư phát triển 10.245,2 tỷ đồng, chi thường xuyên 11.046,5 tỷ đồng.
Nhận thức rõ vai trò của thu hút đầu tư, Thái Bình thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; 3 Tổ công tác chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại, vướng mắc do 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng và Tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. Đồng thời, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quyết định về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và quy định trách nhiệm người đứng đầu, công chức, viên chức trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao PCI... Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Vương quốc Anh... Đặc biệt nổi bật trong năm 2023 là sự kiện Chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc "Thai Binh Homecoming Day" được tổ chức thành công tại tỉnh. Tính đến ngày 18/12/2023, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 98.256,6 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt kết quả ấn tượng, là năm đầu tiên thu hút FDI cán mốc gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song có những yếu tố tác động tích cực như: các vướng mắc về thể chế đã và đang được Trung ương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ; tỉnh tiếp tục có những yếu tố mới, tiềm năng, "dư địa" phát triển; kết cấu hạ tầng giao thông kết nối tiếp tục được đầu tư hoàn thiện; các dự án đầu tư trong Khu kinh tế đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả; các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã ban hành tạo động lực mới cho tăng trưởng... Với chủ đề "Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên", tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công trình giao thông trọng điểm, liên kết vùng và hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy các ứng dụng số, nền tảng số trên mọi lĩnh vực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành.
- Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,5-9% so với năm 2023.
- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,1-2,2% so với năm 2023.
- Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 9-10,2% (trong đó: Công nghiệp tăng 9,3-10,9% và xây dựng tăng 8,2%) so với năm 2023.
- Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7-7,2% so với năm 2023.
- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) đạt 81,4-81,5%.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động toàn xã hội giảm còn khoảng 23,5%.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,2% trở lên so với năm 2023.
- Kim ngạch nhập khẩu tăng từ 9,4% trở lên so với năm 2023.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 6,3% so với năm 2023.
- Số xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024: 10 xã trở lên.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 9.878 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa (không tính tiền thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) đạt 4.798 tỷ đồng.
- Năng suất lao động (tính theo giá so sánh) tăng 8,3-8,8% so với năm 2023.
- GRDP bình quân đầu người (tính theo giá hiện hành) đạt 75,1-75,4 triệu đồng.
Còn một tháng nữa mới kết thúc năm nhưng số thu thuế thu nhập cá nhân cuối tháng 11 ước đạt 106,9% dự toán, với 170.000 tỷ đồng.