Thái Bình: Tận dụng lợi thế thương mại điện tử để tiêu thụ, quảng bá nông sản

Địa phương
01:47 PM 06/12/2023

Thời gian qua, với mong muốn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, quảng bá các mặt hàng nông sản, sản phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp tận dụng lợi thế từ các sàn thương mại điện tử.

Là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, Thái Bình mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước vùng Đồng bằng sông Hồng, thuận lợi cho phát triển của ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc thù như: Gạo chợ Gốc, gạo nếp chùa Keo, mít dai vàng, ổi bo, hồng xiêm Lô Giang, gà Tò, rươi, muối, nước mắm Diêm Điền,... Bên cạnh đó, địa phương có 53km bờ biển thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, với nhiều bãi ngang rộng có các cồn nổi như cồn Vành, cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, là tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển.

Hàng hóa xuất khẩu nói chung của Thái Bình chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN, Australia, New Zealand… và những nước mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực hiện. 

Song hành cùng kênh phân phối truyền thống đã đi vào ổn định, thương mại điện tử hiện đã được các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình lựa chọn từng bước triển khai đưa nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên tiêu thụ qua các kênh trực tuyến.

Thái Bình: Tận dụng lợi thế thương mại điện tử để tiêu thụ, quảng bá nông sản- Ảnh 1.

Ảnh: Thaibinh.gov.vn

Theo đó, thời gian qua Sở Công Thương Thái Bình đã và đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Sàn Giao dịch thương mại điện tử: Alibaba, Shopee, Sendo... 

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã phối hợp tổ chức 3 hội nghị tập huấn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử tại các huyện Đông Hưng, Thái Thụy và Hưng Hà nhằm nâng cao nguồn nhân lực, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử vào bán hàng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ 11 đơn vị xây dựng website, hỗ trợ 5 đơn vị quảng bá thông tin trên website uy tín của Bộ Công Thương; đồng thời hỗ trợ 8 đơn vị xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và xây dựng 3 đơn vị ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh.

Cùng với các hoạt động trên, Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện tiểu mục “Tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử” trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025; duy trì Sàn Thương mại điện tử tỉnh Thái Bình (ecthaibinh.com), cập nhật thông tin các sản phẩm OCOP lên sàn. Hiện nay, sàn đã có hơn 310 gian hàng với hơn 2.313 sản phẩm được trưng bày, quảng bá trên sàn với gần 12.000 lượt truy cập.

Một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh như trà túi lọc thìa canh Thái Hưng, kẹo dồi Trường Thuận, trứng vịt biển Đông Xuyên, Bánh đa Quỳnh Côi, bánh cáy… đã phân phối thành công được người tiêu dùng trên toàn quốc đánh giá cao thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Voso, Postmart, Shopee, Tiki.

Tuy nhiên, việc phát triển thương mại điện tử hiện nay cũng gặp một số khó khăn. Trước hết là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia trên sàn giao dịch điện tử còn thấp. Hoạt động của doanh nghiệp tham gia trên sàn giao dịch điện tử vẫn còn hạn chế, chủ yếu là quảng bá, do đơn hàng nhỏ lẻ nên các doanh nghiệp khó cung ứng. Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin để kinh doanh trên sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, nguồn nhân lực quản lý nhà nước lĩnh vực về thương mại điện tử hiện tại còn ít, không chuyên trách, trình độ chuyên môn chưa sâu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện công tác quản lý về thương mại điện tử...

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, ngành Công Thương sẽ tiếp tục duy trì hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Bình. Tiếp đó sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo và có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhằm hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường khu vực, thị trường trong nước và quốc tế, trong đó chú trọng kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Alibaba... để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng đặc trưng của tỉnh.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.