Thái Bình: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024
Trước tình hình diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chủ động sẵn sàng hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
Tỉnh Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6 km đê. Bởi thế, hệ thống công trình đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản, thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, những tháng còn lại của năm 2024, thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, mưa lớn diện rộng, nắng nóng, dông, lốc, sét sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường, nền nhiệt trung bình phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng xuất hiện bão có cường độ lớn ảnh hưởng đến Thái Bình rất cao. Do vậy, chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là rất cần thiết, nhằm giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân và Nhà nước.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi: Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình, Ban quản lý Dự án đầu tư các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, thuỷ lợi trong mùa mưa, lũ, bão.
Cụ thể, tổ chức triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ" (vật tư, lực lượng, chỉ huy, hậu cần). Đặc biệt là công tác chuẩn bị đầy đủ vật tư, lực lượng đê sẵn sàng ứng phó với các tình huống sự cố có thể xảy ra; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị; tập huấn diễn tập công tác hộ đê, tiếp tục rà soát, phát hiện các vị trí xung yếu mới và xây dựng phương án bảo vệ.
Đồng thời, tổ chức lực lượng thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, bão, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo an toàn cho đê, kè, cống; kẻ, vẽ khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống thiên tai, hộ đê. Chủ động sửa chữa, vệ sinh các điếm gác nước sẵn sàng phục vụ cho công tác tuần tra canh gác đê điều; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân.
Tiếp đó, hoàn thành công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng công trình trước mùa mưa lũ, bão. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực của các địa phương chủ động xử lý những sự cố đê điều, thủy lợi mới phát sinh đột xuất trước, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố có thể xảy ra khi có lũ, bão.
Đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ, bão cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm "4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra để giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.
Thông qua chỉ thị của UBND tỉnh Thái Bình, các cơ sở, ban, ngành, đơn vị nhận theo chức năng và nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hiệu quả do thiên tai trong năm 2024.
Thành TrungƯớc tính ban đầu chi trả bồi thường bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra khoảng 7.000 tỷ đồng.