Thái Bình: Tổng sản phẩm GRDP năm 2023 ước tăng 7,53%

Địa phương
07:39 AM 24/11/2023

Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình có sự phục hồi, tăng trưởng khá và đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm GRDP ước đạt 67.743 tỷ đồng, tăng 7,53% so với năm 2022.

Mới đây, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và kế hoạch năm 2024; đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2023 và phân bổ dự toán ngân sách năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác. Dự họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Đây là cuộc họp rất quan trọng nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện của cả năm 2023 cũng như đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Nhất là cuộc họp diễn ra trong bối cảnh BCH Đảng bộ tỉnh vừa đánh giá lại những kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ 2020-2025. 

Thái Bình: Tổng sản phẩm GRDP năm 2023 ước tăng 7,53%- Ảnh 1.

Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Internet

Trong đó cho thấy: Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phục hồi, tăng trưởng khá và đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm GRDP ước đạt 67.743 tỷ đồng, tăng 7,53% so với năm 2022, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,2%; công nghiệp, xây dựng tăng 12,2%; dịch vụ tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 202.526 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2022.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả. Trong năm có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê”, chương trình OCOP và các mô hình sản xuất nông nghiệp được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thuộc nhóm đầu cả nước, ước thực hiện giải ngân năm 2023 đạt gần 6.300 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 72,9% kế hoạch vốn địa phương phân bổ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đối với người có công và các đối tượng bảo trợ chính sách xã hội được chú trọng thực hiện. Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan nhà nước được tăng cường; các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đều tăng bậc so với năm 2021. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo được duy trì, tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng, đúng luật. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện gần 24.500 tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2022; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 22.500 tỷ đồng, đạt 134,4% dự toán, bằng 100,8% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 89,8% dự toán; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện gần 22.600 tỷ đồng, đạt 134% dự toán.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được. Phân tích, chỉ rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, bàn các giải pháp để thúc đẩy phát triển KT-XH trong năm 2024.

Nhấn mạnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nên kịch bản tăng trưởng kinh tế của cả năm phải mang tính khả thi cao bởi đây là năm rất quan trọng để tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Chính vì thế, năm 2024, Thái Bình tiếp tục thực hiện chủ đề “Trách nhiệm kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các kết quả đã đạt được, quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế đã chỉ ra; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ, mỗi cơ quan, đơn vị phải chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác của năm 2024 bảo đảm tính khả thi, có lộ trình, mục tiêu cụ thể.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050

Theo ADB, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỷ người vào năm 2050—tương đương một phần tư dân số—làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.