Thái Bình: Xót xa những mảnh đời bất hạnh
Gần 30 năm qua, một mình bà Bùi Thị Gái phải tần tảo, sớm khuya chăm sóc chồng và hai người con trai bị bệnh tâm thần. Nỗi buồn và sự thống khổ đã theo bà gần như trọn cả cuộc đời.
Niềm hạnh phúc mong manh
Một sáng đầu đông, chúng tôi có mặt tại UBND xã Quang Trung (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) để tìm hiểu về hoàn cảnh của gia đình bà Bùi Thị Gái (SN 1962, tại thôn Trà Đoài, xã Quang Trung). Sau khi được đề xuất, lãnh đạo UBND xã đã cử ông Bùi Văn Toàn, là cán bộ Lao động - Xã hội đưa chúng tôi tới nhà bà Gái.
Nhà bà Gái là căn nhà cấp 4 cũ kỹ mục nát nằm lọt thỏm, lép mình bên con ngõ, cạnh một con mương nhỏ. Một người phụ nữ nhỏ bé, khắc khổ, ra ngõ đón chúng tôi. Bà Gái mới ngoài 60 tuổi nhưng nhìn bà khắc khổ hơn so với tuổi của mình, vì đằng đẵng sống trong nỗi bất hạnh mà gia đình mình phải gánh chịu suốt mấy chục năm qua.
Khi chúng tôi vừa bước vào mép sân thì bất chợt phải khựng lại, bởi lúc này trong nhà phát ra tiếng đập phá loảng xoảng, tiếng đấm đá bờ tường huỳnh huỵch. Một cánh tay đưa ra ngoài song sắt cửa sổ chỉ trỏ, kèm theo đó là những tiếng chửi bậy, gào thét liên hồi. Quen với điều này, bà Gái nói: "Các anh cứ vào đi, đừng sợ! Nó vẫn thế đấy, trừ lúc ngủ ra, còn lại nó la hét suốt ngày đêm, tôi đã nhốt riêng mỗi đứa một phòng và khóa lại rồi".
Bà Gái kể lại cuộc đời mình với giọng trầm buồn. Bà lấy chồng cùng xã từ khoảng những năm 1987, chồng bà là ông Nguyên Văn Khoa (SN 1965), là một người đàn ông thôn quê chất phác, thật thà, có điều nhận thức không được khôn ngoan như những người khác. Về ở với nhau, ông bà lần lượt sinh hai người con trai, con lớn ông bà đặt tên là Nguyễn Văn Bình (SN 1988), người em thứ hai là Nguyễn Văn Định (SN 1993).
Tên con là Bình và Định, bà Gái mong muốn cuộc sống gia đình sau này mãi yên vui và hạnh phúc. Nhưng rồi bất hạnh cứ lần lượt đổ xuống gia đình bà.
Bà nhớ lại, khi bà mới lấy ông Khoa thì chồng bà vẫn khỏe mạnh, hay làm, chịu thương, chịu khó. Hai người con trai mạnh khỏe ra đời khiến gia đình nhỏ tuy nghèo nhưng ngập tiếng cười. Ở quê quanh quẩn với vài sào ruộng nên kinh tế vô cùng khó khăn, ông Khoa bàn với vợ rồi để 2 người con lại cho bà chăm nuôi, khăn gói lên đường đi Hà Nội, Quảng Ninh tìm kiếm việc làm.
Chỉ mong một ngày được bình yên
Khoảng năm 1996, ông Khoa tự dưng phát bệnh tâm thần. Ông không làm gì, suốt ngày chửi bới, gặp ai cũng giơ chân, giơ tay dọa đánh, cứ nhà ai có đám là lại đến xin ăn. Bất hạnh cứ nối tiếp nhau ập đến, khi những đứa con trai của gia đình bà Gái cứ đến tầm 15 tuổi thì xuất hiện những biểu hiện không bình thường, càng lớn thì dấu hiệu của bệnh tâm thần càng rõ. Đến năm 20 tuổi, anh Bình không nhận thức được nữa, chỉ la hét, đập phá, chửi bới, đòi đánh người. Tiếp theo đến anh Định cũng mắc chứng bệnh như bố và anh. Thế là từ đó, cả ba người đàn ông trong gia đình bà Gái đều mắc bệnh tâm thần, mình bà gồng gánh chăm lo cho gia đình.
Bà Gái nói trong nước mắt: "Thương chồng và các con, tôi đã vét hết tiền bạc trong nhà, vay mượn tiền người thân, họ hàng đưa ba bố con đi chữa trị tại bệnh viện tâm thần, mỗi lần điều trị phải nằm viện hàng tháng trời. Tuy nhiên, sau khi xuất viện về quê được ít ngày, bệnh tình của ba bố con lại tái phát với mức độ nặng hơn!". Một nhà có ba người điên, bà Gái không thể nào trông nom được. Cực chẳng đã, bà phải tìm cách xích con lại, nhốt các con vào từng phòng. Người chồng của bà thì lang thang cả ngày trong xóm ngoài làng, có khi đi cả đến các xã lân cận.
Cũng từ ngày chồng và hai con đổ bệnh, bà Gái chưa một ngày được ăn no, một đêm được yên giấc. Mọi công việc đồng áng của gia đình đều đổ dồn lên vai bà, nhưng nặng gánh nhất vẫn là phải chăm sóc cho ba bố con từ việc nấu ăn, giặt giũ, đến việc vệ sinh cá nhân.
"Vất vả nhất là lúc vệ sinh phòng cho hai người con, thằng Định thì đỡ chứ mỗi khi dọn phòng cho thằng Bình thì phải trộn thuốc ngủ vào mì tôm, chỉ khi nào nó ngủ mới dám vào dọn dẹp, không là nó đánh ngay!".
Gánh nặng trên đôi vai gầy của người vợ, người mẹ trong những năm dài đằng đẵng khiến bà bị căn bệnh thoái hóa cột sống. Xương khớp thường xuyên đau nhức khiến bà Gái chẳng thể làm được việc nặng như trước nữa. Tủi thân cho cảnh gia đình quá bĩ cực, nhiều lúc nghĩ quẩn, người đàn bà tội nghiệp chỉ muốn quyên sinh, muốn rũ bỏ mọi đau khổ trên đời. Nhưng nghĩ đến người chồng, hai người con không còn ai chăm sóc, bà lại choàng tỉnh, bà vẫn phải tiếp tục sống. Bà lo lắng, nếu một mai, bản thân bà đau ốm sẽ không thể chăm sóc cho chồng, cho con được nữa. Bà lo sau khi mình mất đi, chồng và hai người con bà không biết sẽ ra sao.
Ông Bùi Văn Toàn, cán bộ lao động - xã hội xã Quang Trung, huyện Kiến Xương cho biết: "Gia đình bà Gái là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã và huyện. Chồng, con đều mắc bệnh tâm thần, bản thân bà lại bệnh tật sức khỏe ngày một yếu. Hiện tại chồng, hai con của bà Gái đã được hưởng chế độ tàn tật, có sổ chứng nhận là hộ nghèo…được hưởng các chế độ an sinh xã hội. Tại xã, Hội Chữ thập đỏ mỗi năm cũng hỗ trợ được chút ít vì kinh phí của hội cũng hạn hẹp".
Với tinh thần "tương thân tương ái - lá lành đùm lá rách", Hội Chữ thập đỏ xã Quang Trung kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình bà Bùi Thị Gái về tinh thần và vật chất, để gia đình bà bớt được phần nào những khó khăn, ổn định cuộc sống.
Mọi sự ủng hộ gia đình bà Bùi Thị Gái xin gửi về STK: 3403215041305, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn VN (Agribank), chủ tài khoản: Trần Thị Hoài Linh - Thủ quỹ văn phòng HĐND - UBND xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. (SĐT chị Linh: 0982.111.392). Nội dung: Ủng hộ gia đình bà Gái thôn Trà Đoài xã Quang Trung.
Sáng 4/12, Bộ Công Thương phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 tại Hà Nội với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu xanh".