Thái Lan gấp rút triển khai tiêm vaccine trước thềm lễ lội Songkran
Thái Lan đang gấp rút thực hiện tiêm vaccine cho người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác trước thềm lễ hội Songkran đón năm mới tại địa phương. Lễ hội có thể dẫn tới sự gia tăng các ca bệnh và tử vong liên quan đến COVID-19, có khả năng làm giảm đà phục hồi kinh tế và du lịch dự kiến của nước này.
Lễ hội té nước Thái Lan (ngày lễ Songkran) là một dịp lễ cổ truyền mừng năm mới mang ý nghĩa may mắn, năm nay lễ hội sẽ diễn ra từ 13/4 đến 15/4.
Hàng triệu người Thái sẽ về quê trong tuần này từ các thành phố lớn như Bangkok để cùng các gia đình tổ chức lễ Songkran. Năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên người dân có thể trở về trong dịp lễ hội mà không bị hạn chế đi lại kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên Bộ Y tế nước này cảnh báo các ca mắc mới hàng ngày có thể tăng cao tới 100.000 ca/ngày, từ khoảng 20.000 ca/ngày vào thời gian gần đây.
Một chiến dịch tiêm chủng tăng cường cho người cao tuổi đã được triển khai với ước tính khoảng 500.000 người được tiêm chủng trong vòng ba tuần qua, nâng tổng số người Thái Lan trên 60 tuổi tiêm ba mũi vaccine COVID-19 lên tới 3 triệu người. Tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để bao phủ toàn bộ vaccine trên cả nước bởi quốc gia Đông Nam Á này có khoảng 11 triệu người cao tuổi.
Với chỉ 35% trong số 70 triệu dân số Thái Lan đã tiêm mũi tăng cường, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đầu tuần này đã kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID để ngăn chặn sự gia tăng đột biến số ca nhiễm sau kỳ nghỉ lễ dài. Đây là yếu tố quan trọng cho những nỗ lực của quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan, nhằm nới lỏng hơn nữa các quy định về thị thực cho du khách nước ngoài. Trước đại dịch, ngành du lịch đã đóng góp khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho nền kinh tế Thái Lan, trong đó phần lớn đến từ du khách quốc tế.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết: "Trong suốt lễ hội Songkran diễn ra, sẽ có rất nhiều bữa tiệc và tụ tập. Chúng tôi dự báo số ca nhiễm bệnh sẽ gia tăng hơn nữa". Ông Anutin Charnvirakul bổ sung: "Nhưng vaccine có thể giúp giảm thiểu rủi ro đó. Chúng tôi đang yêu cầu người dân cùng hợp tác để đất nước có thể vượt qua giai đoạn rủi ro này".
Theo ghi nhận của hãng tin Bloomberg, hầu hết các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Thái Lan vào những tuần gần đây với triển vọng ảm đạm về sự phục hồi du lịch.
Bà Nattaporn Triratanasirikul, nhà kinh tế học tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, cho biết: "Chúng tôi lo ngại về sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới sau lễ hội Songkran"; "Số ca bệnh càng tăng thì càng tốn thời gian để kiểm soát các ổ dịch và càng trì hoãn kế hoạch công bố đây là bệnh cúm mùa".
Theo ông Chakkarat Pittayawonganon, Giám đốc Cục Dịch tễ học Thái Lan, hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia vẫn có thể ứng phó được ngay cả khi các ca bệnh mới bùng phát. Ông cho biết tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ ngăn ngừa bệnh chuyển nặng và giảm tỷ lệ nhập viện.
Chính phủ Thái Lan đã chuyển sang chiến lược sống chung với COVID từ tháng 10 năm ngoái bằng cách dần dần dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đi lại. Chính phủ đang tìm cách cân bằng giữa phục hồi kinh tế và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Thái Lan dự định tuyên bố đại dịch COVID-19 trở thành bệnh cúm mùa vào tháng 7 tới với số ca nhiễm mới chỉ còn ở mức vài nghìn người và số ca tử vong dưới 80 người mỗi ngày.
An Mai (Theo Bloomberg)Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.