Thái Lan mở rộng sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững
Thái Lan đang là nhân tố mới trong ngành sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững trên thế giới với những lít nhiên liệu đầu tiên được đưa ra thị trường trong tháng 1 năm nay.
Hãng PTTGC thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan (PTT) ban đầu sẽ cung cấp SAF cho các hãng hàng không trong nước, trong đó hãng hàng không Thai Airways là khách hàng ký bản ghi nhớ đầu tiên.

Thái Lan mở rộng sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững
PTTGC dự định sản xuất 6 triệu lít SAF trong năm đầu tiên, dùng dầu thực vật đã qua sử dụng làm nguyên liệu chính. Sản lượng này đủ cho khoảng 2.000 chuyến bay bằng máy bay cỡ trung với tầm bay 2.000-3.000 km mỗi chuyến. PTTGC dự định tăng sản lượng gấp 4 lần trong tương lai gần.
Ngoài việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài, PTTGC đang xem xét sử dụng khoai mì và đường trong nước làm nguyên liệu sản xuất SAF.
Nhà bán lẻ khí đốt quốc doanh Bangchak cũng đang tăng cường năng lực sản xuất SAF. Bangchak đang xây dựng một cơ sở sản xuất SAF ở ngoại ô Bangkok, với khoản đầu tư 8,5 tỉ baht (khoảng 250 triệu USD). Cơ sở này sẽ đi vào sản xuất vào tháng 6/2025 với công suất mỗi ngày là 1 triệu lít SAF. Bangchak đã ký thỏa thuận với các công ty Nhật Bản về nguồn nguyên liệu thô và phân phối.
Chính phủ Thái Lan đã đưa ra các chính sách ưu đãi để thúc đẩy SAF. Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu các hãng hàng không trong nước đạt tỷ lệ pha trộn SAF 1% vào năm 2026, với kế hoạch tăng dần mục tiêu. Tháng 1/2025, Hội đồng Đầu tư Thái Lan (BOI) đã công bố kế hoạch miễn thuế trong 3 năm dành cho các hãng cung cấp nhiên liệu hàng không có pha trộn SAF tại Thái Lan.
Sự tăng trưởng du lịch ở Thái Lan dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu SAF. Số lượng chuyến bay đến và đi từ Thái Lan dự kiến sẽ tăng 10-20% hàng năm trong giai đoạn 2024-2026. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã đặt mục tiêu toàn cầu là không phát thải ròng từ máy bay vào năm 2050.
Các nước Đông Nam Á khác cũng đang mở rộng sản xuất SAF. Tại Malaysia, Petronas đang phát triển một nhà máy lọc sinh học hợp tác với các công ty Nhật Bản và Ý. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028. Tại Singapore, Neste đã bắt đầu sản xuất SAF với công suất hàng năm là 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, một thách thức của các doanh nghiệp là chi phí sản xuất SAF còn khá cao. Giá SAF cao hơn từ 3 đến 5 lần so với nhiên liệu máy bay thông thường. Singapore có kế hoạch áp dụng thuế SAF đối với các chuyến bay đi vào năm 2026 để chia sẻ chi phí với hành khách.
SAF (sustainable aviation fuel) hay nhiên liệu hàng không bền vững được chế tạo từ dầu chiên, mỡ chiên đã qua sử dụng tại các hộ gia đình, nhà hàng hay cơ sở chế biến. Nhiên liệu này cũng được chế biến từ mỡ thừa, da thừa từ các cơ sở giêt mổ hay chế biến thực phẩm hoặc từ phụ phẩm hay phế phẩm nông nghiệp hay lâm nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu, dăm bào, gỗ vụn, rác thải sinh hoạt. Các loại tảo hay thực vật được nuôi trồng cũng được đưa vào chế tạo SAF.

Thủ đô Hà Nội vừa được nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor vinh danh tại 3 hạng mục hàng đầu thế giới năm 2025.